Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng
State authority for construction quality inspection

Thực trạng công tác tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ trong xây dựng hiện nay

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là yếu tố quyết định đến sự phát triển, an toàn tính mạng, tài sản của doanh nghiệp cũng như người lao động. Bảo đảm ATVSLĐ là nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp, của người lao động kể cả người sử dụng lao động.

I. TẠI SAO PHẢI TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC TẬP HUẤN, HUẤN LUYỆN VỀ ATVSLĐ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG

Trong nhiều năm qua mặc dù Đảng, Nhà nước, các ban ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp cải thiện điều kiện lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,tuy nhiên, hiện nay tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2015trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn trong đó:

- Số vụ TNLĐ chết người: 629 vụ

- Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 79 vụ

- Số người chết: 666 người

- Số người bị thương nặng: 1.704 người

- Nạn nhân là lao động nữ: 2.432 người

Theo Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ nhất là Lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết.

Dưới góc độ của một đơn vị đào tạo, chúng tôi xin đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ nói trên có thể kể đến:

- Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực ATVSLĐ chưa kịp thời, nhiều người lao động chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, nhất là người lao động làm nghề vận hành máy móc, thiết bị, điện, hóa chất, vật liệu nổ dẫn đến tai nạn lao động.

- Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng sử dụng lao động chưa qua đào tạo, chạy theo lợi nhuận quá mức, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Nhận thức của người sử dụng lao động về ATVSLĐ chưa đầy đủ, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, hoặc có tổ chức thì chỉ mang tính hình thức, nội dung huấn luyện còn chung chung, chưa đi sâu vào lĩnh vực lao động đặc thù của doanh nghiệp, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, không có nội quy, quy trình làm việc an toàn cho máy móc thiết bị.

- Ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người lao động còn thấp, không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, không dự các khóa huấn luyện về ATVSLĐ do người sử dụng lao động tổ chức. Người lao động chỉ mong có việc làm, có thu nhập mà chưa quan tâm đến việc tuân thủ các quy định pháp luật, nội quy, quy trình làm việc an toàn.

- Việc xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe làm cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động coi thường pháp luật.

- Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, chưa thực sự chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ cũng như chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TẬP HUẤN, HUẤN LUYỆN VỀ ATVSLĐ TRONG XÂY DỰNG TẠI HỌC VIỆN CÁN BỘ QUẢN LÝ XÂY DỰNG VÀ ĐÔ THỊ

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng. Học viện có truyền thống 40 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Xây dựng trong đó có các chương trình tập huấn về ATVSLĐ. Đồng thời, Học viện là đơn vị được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội công nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và hiện là đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng thực hiện dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng. Trong những năm qua, công tác tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ trong xây dựng đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả nhất định cả về số lượng và chất lượng, thể hiện ở các mặt sau:

1. Về nội dung, chương trình, tài liệu, phương thức tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ trong xây dựng

a - Đã xây dựng được 4 bộ chương trình, tài liệu huấn luyện ATVSLĐcho người làm công tác quản lý; Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động và đối tượng khác. Bộ tài liệu, bài giảng về ATVSLĐ có nội dung phong phú tích hợp các hình ảnh, video clip tạo sự sinh động trong quá trình giảng và tiếp thu kiến thức trên lớp.

b - Nội dung huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với 4 nhóm đối tượng trên và bám sát thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; cập nhật QCVN18:2014/BXD về An toàn trong xây dựng và thông tư­ số22/2010/TT-BXDcủa Bộ Xây dựngquy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Nội dung huấn luyện đang chuyển dần từ tình trạng lý thuyết sang việc huấn luyện thực hành.

c - Hình thức đào tạo ngày càng đa dạng. Phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học.Các giảng viên của Học viện đều được huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận Giảng viên huấn luyện tại Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện có đủ năng lực do Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức.

2. Kết quả tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ trong xây dựng tại Học viện giai đoạn 2011-2015

- Về số lượng: trong 5 năm qua, Học viện đã tổ chức được khoảng 70 lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho 4.606 lượt học viên. Trung bình một năm Học viện tổ chức được 15 lớp với khoảng 800 học viên.

-Về chất lượng: phần lớn học viên đã qua lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ đều được nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn về ATVSLĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu của công việc, bảo đảm an toàn trong sản xuất.

3. Đánh giá kết quả thực hiện hoạt động tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ trong xây dựng thời gian qua

Mặc dù công tác huấn luyện ATVSLĐđã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn những bất cập cần được đổi mới. Cụ thể như:

Số lượng người được huấn luyện về ATVSLĐcòn quá ít và không được kiểm tra, kiểm soát về mặt chất lượng, đặc biệt là khi xuất hiện một số loại hình doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ huấn luyện AT-VSLĐ.

Chất lượng và nội dung huấn luyện của các lớp huấn luyện chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển hiện nay như: an toàn trong sử dụng công nghệ mới; các yếu tố độc hại, nguy cơ rủi ro mới; cập nhật các phương pháp cải thiện điều kiện lao động mới, các tiêu chuẩn an toàn - vệ sinh lao động quốc tế, khoa học về cải thiện điều kiện lao động….

Phương pháp huấn luyện chưa thật sự chú trọng khuyến khích tính tích cực của người học, nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, thiếu hình ảnh, cảnh báo, thí nghiệm, dụng cụ trực quan, thực hành, mô hình mô phỏng... dẫn đến hiệu quả giảng dạy chưa được cao.

Năng lực, trình độ đội ngũ giảng viên tham gia huấn luyện không đồng đều, còn thiếu kiến thức thực tiễn, kỹ năng sự phạm hạn chế. Chưa xây dựng được đội ngũ giảng viên huấn luyện chuyên ngành, thực hành theo quy định.

Cơ sở vật chất của Học viện chỉ đáp ứng điều kiện huấn luyện cấp chứng nhận huấn luyện an toàn lao động-vệ sinh lao động, chưa đủ điều kiện huấn luyện chuyên ngành và thực hành để cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động-vệ sinh lao động do không có máy, thiết bị, phòng, xưởng, khu thực hành để thực hành theoChương trình khung huấn luyện được ban hành kèm theo Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH. Vì vậy, Học viện phải thuê các đơn vị khác để có máy, thiết bị, hóa chất, phòng, xưởng, khu thực hành. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng huấn luyện ATVSLĐ.

4. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, yếu kém kể trên

- Do doanh nghiệp, người lao động tham gia các khóa huấn luyện để được cấp chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động-vệ sinh lao động dẫn đến tình trạng học vì chứng nhận, chứng chỉ. Hơn nữa, các chương trình, nội dung huấn luyện an toàn vệ sinh lao động theo thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXHđược xây dựng chung cho nhiều đối tượng ở các ngành, lĩnh vực khác nhau nên các khóa huấn luyện theo các chương trình này ít phù hợp với đối tượng thuộc ngành xây dựng dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo thấp.

- Đầu tư của nhà nước dành cho công tác tập huấn, huấn luyện về an toàn lao động trong xây dựng chưa tương xứng. Kinh phí chi cho tập huấn, huấn luyện về an toàn lao động trong xây dựng hàng năm thấp.

- Sự quan tâm của người lao động, doanh nghiệp xây dựng đến huấn luyện an toàn lao động chưa nhiều khiến việc tổ chức lớp học khó khăn.

II. MỘT SỐ GIẢI PHẢI HẠN CHẾ TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG

Để hạn chế tai nạn lao động trong thi công xây dựng cần có sự vào cuộc từ nhiều phía như cơ quan quản lý nhà nước trong đó cóBộ Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, doanh nghiệp, người lao động, tổ chức được huấn luyện ATLĐ, VSLĐ và cấp chứng chỉ huấn luyện. Cụ thể:

Ngành xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATVSLĐ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của nhà nước về ATVSLĐ.Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp xây dựng về an toàn lao động,các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ. Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật an toàn theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiểu rủi rocho người lao động.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, qua đó tiếp cận với những công nghệ mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực ATVSLĐ, được tăng cường trang thiết bị nghiên cứu và năng lực cán bộ qua đào tạo, tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật cũng như tài chính của quốc tế.

Các doanh nghiệp xây dựng cần nghiêm túc tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động tự giác chấp hành quy định về bảo hộ lao động. Đặc biệt, đối với những lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp xúc với đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động cần phải thường xuyên tập huấn và nhắc nhở thực hiện quy định của Bộ luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Đối với Học viện, Bộ Xây dựng cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất cho Học việnđủ điều kiện huấn luyện chuyên ngành và thực hành để cấp chứng chỉ huấn ATVSLĐ như trang bị máy, thiết bị, phòng, xưởng, khu thực hành để thực hành theo Chương trình khung huấn luyện được ban hành kèm theo Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH.

Học viện cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên huấn luyện an toàn lao động trong xây dựng, xây dựng đội ngũgiảng viên huấn luyện chuyên ngành, thực hành theo quy định. Phát huy phương pháp giảng dạy bằng tình huống.

Khẩn trương hoàn thành chương trình khung, tài liệu phục vụ công tác cấp chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng.

Theo Cục Giám định (Duy Tạo)

8064

Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ ngành Xây dựng, Tháng Công nhân năm 2023 và phát động thi đua tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (27/4/2023)

Nghiệm thu các Nhiệm vụ Khoa học công nghệ do Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thực hiện (21/11/2020)

Hội thảo “Giải pháp công nghệ tiên tiến để quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình” (9/12/2019)

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng làm việc với Cơ quan An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp Hàn Quốc (KOSHA) (7/12/2019)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. (25/6/2019)

Phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2019 (22/6/2019)

Lễ phát động Tháng Hành động về An toàn, Vệ sinh lao động ngành Xây dựng năm 2019 (18/5/2019)

Đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 (4/5/2019)

Triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 (19/4/2019)

Thư mời tham dự khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ KĐKT an toàn cho máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ sử dụng trong thi công xây dựng công trình. (28/6/2018)

 
Chung cư Vinh Chợ nhà đất Vinh GRUUSOFT