Sáng
11-3, tại công trường thi công của Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT), một
dầm thép nặng 140 tấn của cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh (Hà Nội) rơi
xuống đường. Sự cố xảy ra trong khi có nhiều lao động đang làm việc tại công
trường. Rất may, tai nạn trên không gây thiệt hại về người. Trước đó, ngày
17-1, vụ sập giàn giáo cầu thang bộ tại tầng 10, công trình xây dựng tòa nhà
chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower, ở 62 Nguyễn Huy Tưởng,
Hà Nội) khiến 7 lao động rơi xuống tầng 6, làm 1 người tử vong, 6 người bị
thương. Công trình đã bị tạm đình chỉ thi công do có dấu hiệu mất an toàn lao
động…
Theo
tổng kết của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, dù số vụ tai nạn, số người chết do
tai nạn lao động, cháy, nổ trong năm 2015 đã giảm so với năm trước, nhưng Hà
Nội vẫn là địa phương có số tai nạn cao so với cả nước, với 129 vụ tai nạn lao
động, 159 vụ cháy. Xây dựng là ngành tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhưng Phó Chủ
tịch Công đoàn ngành Xây dựng (LĐLĐ TP Hà Nội) Nguyễn Xuân Hùng cho biết, tình
trạng công nhân thực hiện không đầy đủ quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh
lao động (ATVSLĐ), doanh nghiệp không bảo đảm điều kiện làm việc cho công nhân
lao động vẫn khá phổ biến. Tại các khu vực thi công được cho là tiềm ẩn nguy cơ
cao về tai nạn như các hố móng sâu, biên sàn, sàn mái, ô cầu thang hoặc các ô
trống kỹ thuật, về nguyên tắc phải có lan can bảo vệ, nhưng do nhận thức không
đầy đủ, phần lớn các chủ thầu chưa thực sự quan tâm làm rào chắn. Tại các công
trình thi công trên cao, nhất là khi thi công kết cấu cột bê tông công trình,
các cột ngoài biên công trình, người lao động không được làm việc trong điều
kiện bảo đảm an toàn.
Theo
Phó Chủ tịch Công đoàn KCN-CX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, tai nạn lao động xuất
phát từ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với an
toàn tính mạng, sức khỏe người lao động, tài sản của doanh nghiệp. Tại phần lớn
các doanh nghiệp, người lao động chỉ được giảng dạy sơ qua về lý thuyết, phổ
biến nội quy, quy chế của đơn vị; phần hướng dẫn thực hành sử dụng các phương
tiện, thiết bị bảo hộ bị bỏ qua hoặc làm hình thức. Bên cạnh lỗi của người sử
dụng lao động, thì sự thiếu ý thức của người lao động cũng góp phần tăng tỷ lệ
tai nạn lao động.
PGS-TS
Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động
Việt Nam cho rằng, cần phải chấn chỉnh công tác bảo hộ lao động tại tất cả công
trường, khu vực thi công, sản xuất. Điều này là cần thiết để phòng tránh hiệu
quả các vụ tai nạn thương tâm, nguy cơ thiệt mạng và ảnh hưởng sức khỏe, suy
giảm chất lượng sống của những người vô tội; giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và
cộng đồng. Thực tế cho thấy, việc không bảo đảm an toàn lao động khiến cả người
lao động và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Trong điều kiện hội nhập sâu
rộng hiện nay, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có
hiệu lực, việc bảo đảm các điều kiện lao động lại càng trở nên quan trọng. Công
tác cải thiện điều kiện, môi trường lao động, nâng cấp các quy trình, dây
chuyền sản xuất nhằm bảo đảm an toàn lao động sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả
năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.