Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng
State authority for construction quality inspection

Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng.

Đối tượng được bảo hiểm là công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ ngày 13/11/2015.

Phạm vi bảo hiểm là các tổn thất của công trình xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các tổn thất trực tiếp hay gián tiếp gây nên bởi các rủi ro sau: 1- Chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch của nước ngoài, chiến sự (dù tuyên chiến hay không tuyên chiến), nội chiến, bạo loạn, cách mạng, khởi nghĩa, binh biến, nổi loạn, đình công, bãi công, bế xưởng, bạo động của quần chúng, hành động quân sự hay lực lượng tiếm quyền, hành động của nhóm người hay những người thù địch - đại diện hay có liên quan tới các tổ chức chính trị, tịch biên, tịch thu hay phá hủy theo lệnh của Chính phủ hoặc bởi bất kỳ cơ quan công quyền nào; 2- Phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân hay nhiễm phóng xạ; 3- Hành động cố tình hay mặc dù biết trước hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện của Người được bảo hiểm hay đại diện của họ; 4- Ngừng toàn bộ hay một phần công việc thi công xây dựng; 5- Amiang; 6- Khủng bố; 7- Việc thi công xây dựng gây ô nhiễm, nhiễm bẩn môi trường xung quanh khu vực thi công; 8- Cấm vận quốc tế; 9- Mức khấu trừ quy định trong Giấy chứng nhận bảo hiểm mà Người được bảo hiểm phải tự chịu trong mọi sự cố; 10- Tổn thất có tính chất hậu quả dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm tiền phạt, tổn thất do chậm trễ, trì hoãn, công việc không hoàn thành, thiệt hại hợp đồng; 11- Những tổn thất do thiết kế sai, do khuyết tật của nguyên vật liệu hay khuôn mẫu, do tay nghề kém nhưng không phải lỗi trong khi lắp đặt; 12- Sự hao mòn, ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa, kết tạo vẩy cứng; 13- Mất mát hay thiệt hại đối với hồ sơ, sơ đồ, chứng từ kế toán, hóa đơn, tiền mặt, tem phiếu, văn bản, chứng thư, giấy tờ ghi nợ, tín phiếu, cổ phiếu, thư bảo lãnh, séc, vật liệu bao gói như hòm, thùng, hộp; 14- Tổn thất hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.

Số tiền bảo hiểm


Theo dự thảo, số tiền bảo hiểm là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, tiền lương, cước phí vận chuyển, thuế hải quan, các loại thuế khác, các hạng mục do chủ đầu tư cung cấp và không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng (bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

Trong trường hợp có sự thay đổi về giá trị hợp đồng xây dựng thì bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để điều chỉnh lại số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm. Việc điều chỉnh này chỉ có hiệu lực sau khi đã được ghi vào hợp đồng bảo hiểm hoặc có văn bản chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Dự thảo nêu rõ các trường hợp cụ thể như sau: 1- Trường hợp số tiền bảo hiểm tăng: doanh nghiệp bảo hiểm tăng phí bảo hiểm tương ứng; 2- Trường hợp số tiền bảo hiểm giảm: doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả cho bên mua bảo hiểm 80% phần phí bảo hiểm điều chỉnh giảm.

Thời hạn và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Theo dự thảo, thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ Quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Đối với những bộ phận, hạng mục công trình đã được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng thì thời hạn bảo hiểm sẽ chấm dứt kể từ thời điểm những bộ phận, hạng mục đó bàn giao hoặc đưa vào sử dụng.

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thực hiện thanh toán phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm phù hợp với quy định.

Nguyên tắc bồi thường

Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường các khoản chi phí mà người được bảo hiểm thực tế phải gánh chịu và ở mức độ mà các khoản đó đã được tính vào số tiền bảo hiểm.

Mức bồi thường đối với từng hạng mục tài sản ghi trong hợp đồng bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm của hạng mục tài sản đó. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá tổng số tiền được bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Các trường hợp cụ thể như sau: 1- Đối với trường hợp tổn thất có thể sửa chữa được thì phải sửa chữa, số tiền bồi thường là chi phí cần thiết để phục hồi các hạng mục bị tổn thất trở lại trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất sau khi trừ đi phần giá trị thu hồi và mức khấu trừ; 2- Đối với trường hợp tổn thất toàn bộ, số tiền bồi thường là giá trị thực tế của hạng mục đó ngay trước khi xảy ra tổn thất trừ đi giá trị thu hồi và mức khấu trừ.

Trong trường hợp có tổn thất, nếu doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện thấy: Số tiền bảo hiểm thấp hơn giá trị của tài sản được bảo hiểm; bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị của tài sản được bảo hiểm. Nguyên tắc này áp dụng đối với từng hạng mục tài sản ghi trong Hợp đồng bảo hiểm.

Chi phí sửa chữa tạm thời sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chịu nếu như chi phí đó là một bộ phận cấu thành của việc sửa chữa cuối cùng và không làm tăng tổng chi phí sửa chữa.

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường mọi chi phí nhằm cải hoán, bổ sung, nâng cấp các hạng mục được bảo hiểm.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo chinhphu.vn

7988

Ý kiến

Chưa có ý kiến

Họ tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:
Chung cư Vinh Chợ nhà đất Vinh GRUUSOFT BĐS công nghiệp Nghệ An Khu công nghiệp Nghệ An Dự án đầu tư Nghệ An Chính sách thu hút đầu tư, bảng giá đất công nghiệp tỉnh Nghệ An