Thiệt hại ước tính 290 tỷ đồng
Trận lũ quét sáng 03/8 đã khiến khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải và các xã lân cận thiệt hại nặng nề cả người và tài sản. Thống kê sơ bộ của UBND huyện, tính đến cuối ngày 07/8, đã có 5 người chết; 9 người mất tích và 9 người bị thương.
Tổng số nhà bị thiệt hại là 61 nhà, trong đó, 54 nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, ảnh hướng đến 187 khẩu. Có 7 nhà bị hư hỏng một phần. Tổng số nhà phải di dời khẩn cấp là 47 nhà với 270 nhân khẩu.
Tại Thị trấn Mù Cang Chải có 7 công trình bị thiệt hại là: Trường mầm non Hoa Lan, Trường tiểu học và THCS Thị trấn, Trung tâm Chính trị huyện, Khu tập thể trường THPT, sân vận động huyện Mù Cang Chải, Phòng Văn hóa thông tin, phân hiệu Púng Luông trường THPH huyện.
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang diễn ra khẩn trương
Mưa lũ khiến 141 công trình thủy lợi bị thiệt hại và 3 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng. Xã Lao Chải bị thiệt hại 1 điểm trường của Bản Tà Gênh, 2 cầu cứng của xã Lao Chải bị cuốn trôi và nhiều con đường liên thôn, liên xã bị sạt lở ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Sạt lở cũng làm hư hỏng hoàn toàn 500m và mất ổn định 1.500 kè bờ tả và hữu suối Nậm Kim khu vực thị trấn Mù Cang Chải. Bên cạnh đó, nhiều tài sản, vật nuôi của bà con nhân dân bị lũ cuốn trôi. Diện tích hoa mầu bị thiệt hại khoảng 75ha. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 290 tỷ đồng, trong đó của nhân dân là 80 tỷ đồng.
Đối với những thiệt hại nặng nề về thiên tai của huyện Mù Cang Chải, trước mắt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đ/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đ/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đ/nhà. Đối với các nhà bị sạt lở là 10 triệu đ/nhà; đồng thời hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng.
Oằn mình khắc phục hậu quả thiên tai
Theo ghi nhận của báo Xây dựng, đến thời điểm này, tuy đã không còn mưa nhưng thời tiết diễn biến rất phức tạp, không loại trừ vẫn có thể xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nên công tác cứu hộ, cứu nạn huyện Mù Cang Chải đang gặp nhiều khó khăn.
Ở ngay vùng trung tâm huyện, do cường độ lũ lớn nên khối lượng đất đá đổ xuống rất nhiều mà lượng máy móc, phương tiện hỗ trợ lại ít, nhân lực mỏng sẽ khiến thời gian để khắc phục bị kéo dài.
Đoàn công tác trực tiếp có mặt tại hiện trường, xem xét và đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ
Trong khi đó, trên địa bàn huyện có nhiều điểm sạt lở làm cho các tuyến giao thông bị chia cắt, không thể tiếp cận bằng cơ giới mà chỉ có thể đi bộ hoặc một số điểm không thể sử dụng máy móc mà chỉ lao động thủ công đã khiến công tác khắc phục gặp nhiều vất vả.
Chiều 08/8, các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng tăng cường của quân sự tỉnh, lực lượng Quân khu 2 vẫn đang tập trung tìm kiếm khắc phục hậu quả do thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện Mù Cang Chải tiếp tục huy động lực lượng để dọn dẹp, vệ sinh môi trường quanh khu vực xảy ra lũ ống, lũ quét; tổ chức tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra thiên tai.
Đặc biệt, huyện đang khẩn trương khắc phục, sửa chữa, dọn dẹp các công trình công cộng, nhất là trường lớp học bị thiệt hại để chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Theo UBND huyện Mù Cang Chải, hiện nay, đã tổ chức di dời và bố trí nơi ở tạm thời cho 104 hộ gia đình với 510 nhân khẩu (trong đó có 51 hộ với 263 nhân khẩu có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 53 hộ với 247 nhân khẩu nằm trong khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn).
Cần xem lại công tác quy hoạch
Sau khi kiểm tra hiện trường vùng rốn lũ cùng chia sẻ khó khăn cùng bà con nhân dân và chính quyền địa phương, Bộ Xây dựng trao tặng UBND huyện Mù Cang Chải 100 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất.
Chia sẻ với báo Xây dựng, PGS.TS Phạm Hữu Si – chuyên gia Hội đồng NTNN cho rằng, trận lũ quét vừa qua tại Mù Cang Chải đã mang tất cả vật liệu phong hóa đưa vào dòng chảy, dồn xuống tức thời và gây ra những thiệt hại lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận, thiệt hại này do dân ở hoàn toàn không có quy hoạch. Dân ở gần mặt nước, thấp trong phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy nên khi dòng chảy qua bị pha lẫn với vật liệu bồi đắp, vật liệu xói mòn đổ từ trên cao xuống sẽ xoáy tất cả những gì nó đi qua.
Nỗ lực tìm kiếm cứu nạn
Về lâu dài, chuyên gia cho rằng, nhân dân không nên ở sát lòng sông, bờ suối như vậy vì khả năng lũ quét rất cao. Đối với nhà đã bị thiệt hại, dứt khoát phải chuyển đi không thể ở thấp như vậy được. Đối với nhà cao chưa bị thiệt hại nhưng nằm ở khu vực này vẫn phải chuyển đi không thể ở lại được. Nếu ở lại phải có giải pháp bảo vệ thật tốt, nhà kiên cố chịu được dòng chảy.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trường khu vực bị lũ quét, một số hồ đập thủy điện và công trình gia cố chống sạt lở bờ suối Thia đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ, trao đổi cùng Đoàn và chuyên gia, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định cho biết, Cục Giám định đã kiến nghị với UBND tỉnh Yên Bái một số vấn đề trọng tâm.
Theo đó, đối với công trình gia cố, chính trị chống sạt lở bờ suối Thia qua đợt mưa lũ lớn vừa rồi cho thấy công trình đã phát huy tác dụng tốt, ổn định, dòng chảy. Đối với các công trình bị thiệt hại nặng do bị lũ quét tại khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải, bên cạnh việc chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại nói chung, UBND tỉnh cần giao cho Sở Xây dựng tổ chức kiểm định, đánh giá mức độ an toàn đối với công trình Trường trung học cơ sở để sớm có giải pháp khắc phục, kịp thời đảm bảo điều kiện học tập cho các cháu học sinh năm học mới sắp tới.
Để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của nhân dân địa phương, cần giao cho đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, đánh giá, lập bản đồ quy hoạch phân vùng - khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống, xác định các mức độ ảnh hưởng ứng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, lập hoàn chỉnh lại quy hoạch các khu dân cư đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại khi có lũ quét, lũ ống xảy ra; đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiên quyết không cho dân tự phát xây dựng công trình, nhà cửa trên khu vực nguy hiểm; đối với các hộ dân, công trình đã xây dựng trong khu vực nguy hiểm cần có kế hoạch từng bước di dời đến khu vực an toàn theo đúng quy hoạch.
Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường việc rà soát, kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập thường xuyên theo quy định để kịp thời có biện pháp xử lý, ứng phó phù hợp. Đặc biệt đối với các công trình hồ đập lớn, hồ đập có nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại lớn khi xảy ra sự cố.