Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị, ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Bộ cũng ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông qua đó, đã định hướng hoạt động tổng thể cả nhiệm kỳ với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bám sát thực tiễn. Nhờ những chỉ đạo, định hướng sớm, cụ thể và quyết liệt, tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm và được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định, 02 Quyết định, 02 Chỉ thị và Bộ ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tập trung nghiên cứu, xây dựng 02 dự án Luật (Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc) đã được Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018; Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng Luật Cấp nước để đưa vao Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019; Tiếp tục hoàn thiện 06 văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017, soạn thảo và ban hành các Thông tư theo đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2017.
Trong công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng. Trong các Nghị định này có nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư, đồng thời cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp; Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng ngày càng được nâng cao, góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án ngân sách nhà nước, tồn ứ ở khâu thẩm định giảm mạnh, không làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Sau khi Nghị định số 53/2017/NĐ-CP được ban hành, các địa phương đang chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện để thí điểm cấp giấy phép xây dựng qua mạng; Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản được đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung ngày càng đầy đủ, đồng bộ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; tổ chức triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đồ án và 02 nhiệm vụ quy hoạch; hoàn thành tổ chức lập, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 của Chính phủ, Bộ đã tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, cấp phép xây dựng tại các địa phương, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 7/2017; Công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay đã có 51/63 địa phương triển khai lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; Bộ đã phối hợp với các địa phương công nhận phân loại cho 08 đô thị, nâng tổng số đô thị toàn quốc đến hết tháng 6/2017 là 805 đô thị; Các Chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, tổng công suất thiết kế các nhà máy nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 8,5 triệu m3/ngày đêm (tăng 0,5 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2016). Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch ước tính đạt khoảng 84,5%, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch khoảng 23%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị khoảng 85%, rác thải nông thôn khoảng 40-50%.
Trong lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trọng điểm. Tính đến hết tháng 6/2017, diện tích nhà ở toàn quốc bình quân đạt 23m2/sàn/người, tăng 0,2m2 sàn/người so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã hoàn thành thêm khoảng 0,06 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích sàn nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,76 triệu m2.
Trong lĩnh vực quản lý vật liệu xây dựng, Bộ đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng…
Các công tác khác của Bộ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp đang được triển khai tích cực theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã chấp thuận chủ trương phát hành, thỏa thuận cho 10 Tổng Công ty thực hiện thoái vốn, tăng, giảm vốn tại 32 công ty con, công ty liên kết; thực hiện thoái vốn thành công tại 05 đơn vị với giá trị thoái 624,83 tỷ đồng, thu về 632,64 tỷ đồng; đã tổ chức đấu giá thành công 120 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Tổng Công ty Viglacera, thu về cho doanh nghiệp 1.941 tỷ đồng; đang tích cực triển khai cổ phần hóa 4 Tổng Công ty, gồm có Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đại diện các khối quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến đóng góp cho Báo cáo sơ kết của Bộ và thảo luận về các giải pháp để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và mục tiêu nhiệm vụ cả năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Xây dựng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch của ngành Xây dựng trong nửa đầu năm 2017, thể hiện ở việc: đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực Chính phủ giao; cơ bản đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn mà đòi hỏi quản lý nhà nước tháo gỡ; cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Xây dựng đã đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có yếu tố mang tính chủ quan, thuộc về tinh thần trách nhiệm, công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, chưa thực sự bám sát thực tiễn và chủ động đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Xây dựng rất nặng nề, để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 24) về đảm bảo tăng trưởng, với các giải pháp cụ thể như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng,đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút vốn đầu tư, bình ổn giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu…; hoàn thành công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án về đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức và giá xây dựng theo đúng kế hoạch; trong công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp, chú trọng tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và người lao động, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau cổ phần hóa và chống thất thoát tài sản và vốn của Nhà nước.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đưa ra các ý kiến chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ cụ thể như kiểm tra việc phân cấp, ủy quyền thẩm định thiết kế, dự toán tại các địa phương; nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phát triển đô thị và quy hoạch đô thị; nghiên cứu giải pháp sử dụng vật liệu thay thế cát san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị, thị trường bất động sản; triển khai thực hiện đề án một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính…