Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: VLXD là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, chất lượng, vẻ đẹp của tất cả các công trình xây dựng của nhà nước, xã hội và người dân. Sản xuất VLXD là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng đối với một quốc gia có dân số gần 100 triệu dân và tài nguyên đa dạng như Việt Nam. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, ngành VLXD đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện, cơ bản điều chỉnh được các hoạt động về VLXD; công tác quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; chủng loại, chất lượng của VLXD ngày càng được mở rộng, nâng cao và đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có trình độ công nghệ, thiết bị và quản lý tương đối tiên tiến, đã có một số thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm VLXD có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc quản lý, sử dụng tài nguyên cho sản xuất VLXD ngày càng hợp lý hơn. Một số chương trình phát triển VLXD trọng điểm được triển khai có kết quả.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nêu lên một số hạn chế, thách thức của ngành VLXD, như: Một số quy định quản lý đã không còn phù hợp với tình hình thực tế; chất lượng quy hoạch chưa cao; việc kiểm soát sản xuất VLXD theo quy hoạch và có kế hoạch chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ, thiết bị chung của toàn ngành chuyển biến chậm; hiệu quả sử dụng tài nguyên của một số sản phẩm chưa cao; việc triển khai một số vật liệu mới, vật liệu thay thế các VLXD truyền thống như cát, gạch nung, vật liệu xây dựng sử dụng phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác, VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những vướng mắc…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà mong muốn tại Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hiệp hội trao đổi nhiều ý kiến, sáng kiến và giải pháp cụ thể để góp phần phát huy những thành tựu đã đạt được và giải quyết kịp thời các hạn chế, thách thức, thúc đẩy ngành VLXD phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình quản lý và phát triển VLXD toàn quốc trong thời gian qua.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực VLXD phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều quan điểm đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chú trọng phát triển sản xuất, sử dụng sản phẩm các sản phẩm VLXD trong nước, chủ yếu như xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
Bộ Xây dựng đã chủ trì, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách quản lý phát triển sản phẩm VLXD như: Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD; Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng và khoáng sản làm VLXD đến năm 2020; Quy hoạch phát triển VLXD gốm sứ xây dựng và đá ốp lát đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại Hội nghị
Trong giai đoạn trước năm 2010, nhiều sản phẩm VLXD chủ lực của Việt Nam như: Xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát… chủ yếu còn nhập khẩu từ nước ngoài, song giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành VLXD nước ta đã phát triển không ngừng và từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng đã được đầu tư mở rộng sản xuất với các dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại của các nước phát triển, có chất lượng tốt, mẫu mã, chủng loại phong phú, đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567), với mục tiêu, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố, phổ biến, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trên phạm vi cả nước. Phối hợp với các địa phương, tổ chức hội nghị triển khai phổ biến Chương trình phát triển VLXKN. Tổ chức thông tin tuyên truyền về công nghệ sản xuất, các đặc tính kỹ thuật ưu việt của VLXKN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tặng Bằng khen cho các đơn vị có nhiều đóng góp tích cực
nhằm phát triển vật liệu xây dựng không nung, thân thiện với môi trường
Sau 6 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng: Hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Đặc biệt tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh .…;
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cũng đã tích cực chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm VLXKN đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm VLXKN. Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất VLXKN đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 28% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2016 ước khoảng 24 tỷ viên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành VLXD đã đạt được trong những năm qua, trên tất cả các mặt, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước đến đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành VLXD thời gian qua còn không ít tồn tại, hạn chế, như: Công tác dự báo, thăm dò khai thác nguyên liệu sản xuất VLXD còn nhiều hạn chế, thiếu chính xác, thiếu thông tin để hoạch định chính sách phát triển VLXD trong tương lai; chất lượng một số quy hoạch phát triển VLXD còn thấp, thường phải điều chỉnh liên tục, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; đầu tư phát triển VLXD tuy đạt được những kết quả, song còn thiếu nhiều vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, giá rẻ và chất lượng cao; thiếu nhiều loại VLXD cao cấp; đầu tư còn có biểu hiện tự phát, phong trào và không bền vững; việc đầu tư phát triển VLXKN chưa đạt mục tiêu đề ra; việc nghiên cứu xử lý tro xỉ làm VLXD còn chậm; đầu tư phát triển VLXD gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường còn những hạn chế…
Toàn cảnh Hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát các quy hoạch VLXD để cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp; Xây dựng kế hoạch phát triển VLXD đối với các VLXD chủ yếu; kiểm soát quá trình phát triển VLXD đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển VLXD Việt Nam, tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn; phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu đề án phát triển VLXD phục vụ xây dựng các công trình biển đảo…
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương kiểm soát quá trình đầu tư phát triển VLXD đảm bảo tính bền vững, đặc biệt là kiểm soát việc sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất VLXD gây ô nhiễm môi trường; tính toán nhu cầu cát xây dựng, vật liệu san lấp để có kế hoạch đáp ứng, chú ý sử dụng vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san nền; và thực hiện nghiêm quy định về báo cáo hoạt động khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản.