Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/2/2016: “Kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị”, các cục, vụ liên quan thuộc Bộ Xây dựng đã khẩn trương xây dựng “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” và được Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 488/QĐ-BXD ngày 25/5/2016.
“Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” này áp dụng khảo sát đánh giá mức độ an toàn chịu lực kết cấu của các đối tượng nhà ở và nhà công cộng, đặc biệt chú trọng vào nhà chung cư xây dựng trước năm 1994, các biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm.
Chương trình tập huấn “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” tại Hà Nội và tiếp theo là tại các địa phương TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng... để nhằm xây dựng hệ thống hành lang pháp lý, kỹ thuật để công tác đánh giá ngày một hoàn thiện, trên cơ sở ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, từ đó có thể triển khai kiểm tra đồng loạt đánh giá nhà ở và công trình công cộng cũ tại các đô thị một cách kỹ lưỡng, khoa học.
Ngoài việc tập huấn, các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng còn đang thực hiện các hướng dẫn lập chi phí nhằm thực hiện công tác đánh giá này, vì số lượng các công trình cần rà soát là rất lớn.
Việc đánh giá công trình xác định tuổi thọ và tình trạng kỹ thuật nhà ở và công trình công cộng là vấn đề khá phức tạp, đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu. Ở Việt Nam, việc đánh giá này còn hạn chế, các tài liệu kỹ thuật liên quan thì nhiều nhưng tài liệu trực tiếp để đánh giá nhà nguy hiểm còn ít. Do đó, “Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng” được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn nước ngoài áp dụng phù hợp với Việt Nam, nhưng vẫn cần nghiên cứu hoàn thiện. Việc đánh giá nhà rất cần sự hợp tác của người dân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Theo lộ trình, Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và chuyên gia, đưa ra các đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu. Kết luận của bước khảo sát này là công trình có cần thiết kế khảo sát chi tiết giai đoạn 2 hay không và nếu không thì sẽ có hướng xử lý khác.
Giai đoạn 2 là khảo sát đánh giá chi tiết bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng; thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình. Từ đó đề xuất phương án xử lý tiếp theo: tiếp tục sử dụng, sửa chữa, gia cường hoặc các biện pháp can thiệp khác. Bước này chỉ tiến hành đối với các nhà thuộc diện phải khảo sát chi tiết để đánh giá theo kết luận của giai đoạn 1.
Đánh giá cấp độ nhà ở và công trình công cộng nguy hiểm lần lượt như sau: Cấp A là sử dụng bình thường, sửa chữa nhỏ. Cấp B là sử dụng bình thường, sửa chữa cấu kiện nguy hiểm. Cấp C là nguy hiểm cục bộ, sửa chữa, gia cường. Cấp D là nguy hiểm tổng thể, chống đỡ sơ tán tạm thời khi cần thiết.
Theo kế hoạch, công việc rà soát, thống kê, đánh giá bước 1, phân loại nhà ở và công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực sẽ được hoàn thành trước 31/12/2106 và báo cáo về Bộ trước ngày 15/1/2017.