50 năm trước, ngày 15/01/1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/CP quy định về cơ cấu tổ chức Bộ Xây dựng. Trong số các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Xây dựng, Cục Giám định xây dựng nhà nước có nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định xây dựng; thực hiện công tác giám định trong thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình thuộc các lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng phụ trách.
Sau đó, ngày 16/4/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 156/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, trong đó có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định nhà nước về chất lượng công tác xây dựng cơ bản và nghiệm thu, bàn giao các công trình xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Theo đó, Cục Giám định xây dựng nhà nước được chuyển sang Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước với tên gọi mới là Ban Thanh tra và Giám định xây dựng nhà nước.
Ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 35/HĐBT về việc sắp xếp lại bộ máy giúp việc Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, trong đó đổi tên Ban Thanh tra và Giám định xây dựng nhà nước thành Cục Giám định xây dựng nhà nước.
Ngày 24/3/1988, Hội đồng Nhà nước quyết định phê duyệt thành lập Bộ Xây dựng (mới) trên cơ sở sáp nhập Bộ Xây dựng và Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước. Ngày 14/4/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 59/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Cục Giám định xây dựng nhà nước đổi tên thành Cục Giám định thiết kế và xây dựng nhà nước, là cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng thiết kế và xây dựng đối với các công trình xây dựng trong phạm vi cả nước.
Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ nhận thấy việc kiểm soát chất lượng các công trình nói chung, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia là cấp bách và hết sức cần thiết. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng và Cục Giám định thiết kế và xây dựng nhà nước được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Hội đồng.
Ngày 04/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan trực thuộc và tên gọi này được duy trì cho đến ngày nay.
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 26/5/2003 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-BXD quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám định. Theo đó, Cục Giám định có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn trong thi công xây dựng công trình, ngày 02/6/2015 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-BXD điều chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn trong thi công xây dựng về Cục Giám định.
Theo Quyết định số 1171/QĐ-BXD ngày 01/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Cục Giám định thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, bảo trì và đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.
Nhìn lại chặng đường 50 đã qua, Cục Giám định đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước và ngành Xây dựng, trong đó có 4 thành tựu, điểm nhấn tiêu biểu.
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình.
Cụ thể, Cục Giám định đã nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/7/1999 về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 là Luật Xây dựng đầu tiên của Việt Nam; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và nhiều Thông tư hướng dẫn.
Năm 2013, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Giám định đã chủ trì xây dựng Nghị định số 15/2013/NĐ-CP thay thế các Nghị định cũ về công tác quản lý chất lượng và các thông tư hướng dẫn.
Một trong những điểm mới của Nghị định này là công tác quản lý chất lượng được kiểm soát bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua hoạt động thẩm định thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Quy định này đã được bổ sung vào Luật Xây dựng 2014.
Để quy định chi tiết việc thực hiện Luật Xây dựng 2014 trong công tác quản lý chất lượng, ngày 12/5/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Sau đó, Cục Giám định đã tham mưu cho Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 có hiệu lực thi hành, Cục Giám định đã tham mưu để Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, trong đó đã từng bước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đáp ứng thực tiễn và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và điểm nhấn quan trọng là phân cấp cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương gắn liền với tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Để quản lý chất lượng, an toàn trong quá trình khai thác sử dụng, đồng thời đảm bảo thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế, Cục Giám định đã hoàn thành xây dựng Quy trình đánh giá an toàn công trình làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước theo quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.