Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng
State authority for construction quality inspection

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng- Hành trình 50 năm cho những công trình bền vững

Ngày 19/01/2024, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) tổ chức kỷ niệm 50 ngày thành lập. Nhìn lại chặng đường đã qua, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Cục Giám định luôn trân trọng và tự hào về những thành quả đã đạt được
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trao tặng các danh hiệu cho Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

50 năm trước, ngày 15/01/1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/CP quy định về cơ cấu tổ chức Bộ Xây dựng. Trong số các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Xây dựng, Cục Giám định xây dựng nhà nước có nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định xây dựng; thực hiện công tác giám định trong thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình thuộc các lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng phụ trách.

Sau đó, ngày 16/4/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 156/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, trong đó có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định nhà nước về chất lượng công tác xây dựng cơ bản và nghiệm thu, bàn giao các công trình xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý của nhà nước. Theo đó, Cục Giám định xây dựng nhà nước được chuyển sang Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước với tên gọi mới là Ban Thanh tra và Giám định xây dựng nhà nước.

Ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 35/HĐBT về việc sắp xếp lại bộ máy giúp việc Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, trong đó đổi tên Ban Thanh tra và Giám định xây dựng nhà nước thành Cục Giám định xây dựng nhà nước.

Ngày 24/3/1988, Hội đồng Nhà nước quyết định phê duyệt thành lập Bộ Xây dựng (mới) trên cơ sở sáp nhập Bộ Xây dựng và Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước. Ngày 14/4/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 59/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Cục Giám định xây dựng nhà nước đổi tên thành Cục Giám định thiết kế và xây dựng nhà nước, là cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng thiết kế và xây dựng đối với các công trình xây dựng trong phạm vi cả nước.

Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ nhận thấy việc kiểm soát chất lượng các công trình nói chung, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia là cấp bách và hết sức cần thiết. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng và Cục Giám định thiết kế và xây dựng nhà nước được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Hội đồng.

Ngày 04/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan trực thuộc và tên gọi này được duy trì cho đến ngày nay.

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 26/5/2003 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-BXD quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám định. Theo đó, Cục Giám định có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn trong thi công xây dựng công trình, ngày 02/6/2015 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-BXD điều chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn trong thi công xây dựng về Cục Giám định.

Theo Quyết định số 1171/QĐ-BXD ngày 01/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Cục Giám định thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, bảo trì và đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.

Nhìn lại chặng đường 50 đã qua, Cục Giám định đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước và ngành Xây dựng, trong đó có 4 thành tựu, điểm nhấn tiêu biểu.

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình.

Cụ thể, Cục Giám định đã nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/7/1999 về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 là Luật Xây dựng đầu tiên của Việt Nam; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và nhiều Thông tư hướng dẫn.

Năm 2013, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Giám định đã chủ trì xây dựng Nghị định số 15/2013/NĐ-CP thay thế các Nghị định cũ về công tác quản lý chất lượng và các thông tư hướng dẫn.

Một trong những điểm mới của Nghị định này là công tác quản lý chất lượng được kiểm soát bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua hoạt động thẩm định thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Quy định này đã được bổ sung vào Luật Xây dựng 2014.

Để quy định chi tiết việc thực hiện Luật Xây dựng 2014 trong công tác quản lý chất lượng, ngày 12/5/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Sau đó, Cục Giám định đã tham mưu cho Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định này.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 có hiệu lực thi hành, Cục Giám định đã tham mưu để Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, trong đó đã từng bước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đáp ứng thực tiễn và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2023, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và điểm nhấn quan trọng là phân cấp cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương gắn liền với tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Để quản lý chất lượng, an toàn trong quá trình khai thác sử dụng, đồng thời đảm bảo thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế, Cục Giám định đã hoàn thành xây dựng Quy trình đánh giá an toàn công trình làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước theo quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Với những nỗ lực trong quá trình hoạt động 50 năm qua, Cục Giám định đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc nghiên cứu, xây dựng và hình thành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ để quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.

Các quy định pháp luật này đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và được các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện, góp phần đưa công tác quản lý chất lượng công trình đi vào nề nếp, chất lượng công trình ngày càng được nâng cao, sự cố công trình ngày càng giảm.

2. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng

Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (nay là Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng), Cục Giám định đã có nhiều đóng góp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý, đảm bảo chất lượng các công trình quan trọng quốc gia; các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, hoạt động của Hội đồng ngày càng được kiện toàn hơn.

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 211/2003/QĐ-TTg và sau đó là Quyết định 68/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (thay thế Quyết định 211/2003/QĐ-TTg). Tháng 02/2014, Hội đồng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 310/2014/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, thay thế Quyết định 68/2006/QĐ-TTg.

Có thể kể đến một số công trình trọng điểm của đất nước được Cục Giám định nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho đất nước như: Công trình cầu Mỹ Thuận; Nhà máy thuỷ điện Yaly; Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy khí - điện Cà Mau; Nhà Quốc hội; Công trình Landmark 81; Cầu Nhật Tân; Nhà máy thủy điện Sơn La; Thủy điện Lai Châu; Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Sân bay Vân Đồn…

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện và tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Cục Giám định đã tham mưu để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, thay thế Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014. Cùng với việc đổi tên gọi, phương thức hoạt động của Hội đồng tiếp tục được cải tiến và công tác kiểm soát chất lượng các công trình trọng điểm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Đặc biệt, những năm gần đây, Cục Giám định với vai trò là Cơ quan thường trực đã tham mưu, giúp Hội đồng tổ chức kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2; Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Cầu Thủ Thiêm 2; Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 2; các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam...

Mặt khác, Cục Giám định cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành đã có nhiều đóng góp chuyên môn, hướng dẫn công tác quản lý chất lượng, giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp phát sinh trong quá trình thi công xây dựng, góp phần đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả các công trình quan trọng quốc gia.

3. Tổ chức thực hiện giám định chất lượng và thực hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp xây dựng.

Là cơ quan đầu mối giúp Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng, Cục Giám định đã tham mưu, chủ trì soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có Nghị định số 62/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp xây dựng; Thông tư 17/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.

Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác giám định tư pháp xây dựng đã và đang góp phần quan trọng trong công tác giám định, giám định xây dựng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

4. Quản lý nhà nước về an toàn lao động trong hoạt động xây dựng.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn lao động trong hoạt động xây dựng, Cục Giám định đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách theo hướng đổi mới, chủ động ngăn ngừa, làm rõ nội dung quản lý an toàn lao động của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chuyên môn về xây dựng và đa dạng hoá nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực thi pháp luật trong an toàn xây dựng.

Cục Giám định đã tập trung rà soát hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hiện hữu có nội dung liên quan đến an toàn lao động trong thi công xây dựng.

Đề xuất áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của ngành Xây dựng hiện nay. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn trong thi công xây dựng theo Thông tư 16/2021/TT-BXD với nhiều điểm mới bám sát yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, Cục Giám định còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong xây dựng. Tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng và các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Quản lý và điều hành Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ của Cục Giám định đã có nhiều ý kiến tham mưu, đóng góp quan trọng, đưa Cục Giám định trở thành một trong những đơn vị có uy tín, đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bộ Xây dựng, góp phần vào sự phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam.

Trong giai đoạn tiếp theo, Cục Giám định tiếp tục tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đến công tác quản lý chất lượng và an toàn xây dựng công trình. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển ngành xây dựng của đất nước.

Theo PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định, trong thời gian tới, Cục Giám định sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, giám định xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng, giám định xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình với mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình xây dựng, giảm thiểu sự cố công trình, sự cố mất an toàn, tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện các quy trình quản lý chất lượng, kiểm định, giám định chất lượng, nghiệm thu, bảo trì, đánh giá an toàn công trình; Rà soát, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng để các tổ chức, cá nhân thực hiện đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và quản lý chặt chẽ chất lượng công trình trong quá trình thi công xây dựng và quản lý, khai thác.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng; thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng; quản lý và điều hành Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam; thực hiện các Đề án, đề tài nghiên cứu quan trọng, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Theo Tạp chí xây dựng (Huy Thảo)

544

Ý kiến

Chưa có ý kiến

Họ tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:
Chung cư Vinh Chợ nhà đất Vinh GRUUSOFT