Một số nội dung cụ thể như:
- Về phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng: Mở rộng phạm vi
điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ; mở rộng
đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
- Mở rộng chế độ
chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Đó là các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người
lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; hỗ trợ các
hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rui ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa
những người tham gia bảo hiểm và các doanh nghiệp. Lần đầu tiên Luật cũng quy
định việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện của người
lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
- Về các quyền,
nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể
khác: Nếu như trước đây, Bộ luật
Lao động chỉ quy định về nghĩa vụ thì trong Luật ATVSLĐ, các quy định về quyền
của người lao động, người sử dụng lao động đã cụ thể và rõ nét. Đồng thời Luật
cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động của
tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành
viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác;
- Về
thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ: Với sự gia tăng số doanh nghiệp trong
nền kinh tế, đồng thời mở rộng đối tượng điều chỉnh sang khu vực không có quan
hệ lao động, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, đưa vào sử dụng máy móc,
thiết bị mới, công tác thanh tra ATVSLĐ trở nên hết sức quan trọng. Luật ATVSLĐ
đã qui định cụ thể: “Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra
chuyên ngành” và được tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh.
- Về phòng ngừa
và giảm thiểu tổn thất do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Luật đã có các qui định cụ thể và khuyến khích doanh nghiệp
thực hiện các biện pháp đánh giá, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao
động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Phương châm đảm bảo
ATVSLĐ là các giải pháp phòng ngừa ít tốn kém hơn nhiều so với giải quyết hậu
quả, xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp cần nhấn mạnh hơn nhiều so với
việc kêu gọi hỗ trợ nạn nhân khi tai nạn, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Những điều
này đòi hỏi cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện để nâng
cao nhận thức cho người lao động.
Luật AT VSLĐ sẽ
chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Với nhiều nội dung mới như
đã nêu trên, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh tới cả các
đối tượng là người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động, để
Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, chúng ta phải tập trung làm
tốt các công việc sau:
Thứ nhất, cần khẩn
trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao
động. Năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được Chính phủ
giao chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định hướng dẫn Luật
ATVSLĐ gồm: (1) Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an
toàn, vệ sinh lao động; (2) Nghị định quy định và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp bắt buộc; (3) Nghị định quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn
lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao
động. Hiện nay các dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến các Bộ, ngành, doanh
nghiệp và toàn thể nhân dân. Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang
khẩn trương xây các thông tư hướng dẫn một số qui định cụ thể của Luật, Nghị
định để đảm bảo Luật không chờ Nghị định, Nghị định không chờ thông tư, và khi
Luật có hiệu lực, có thể thực hiện được ngay
Thứ hai, cần tổ
chức, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật AT,VSLĐ đến các
đối tượng, chủ thể có liên quan. Công tác thông
tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm
của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người
nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ. Cần tuyên truyền, phổ biến
tốt Luật và các văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ
quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe,
tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách
bền vững.
Thứ ba, cần triển
khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động ATVSLĐ được quy định trong Luật. Nội dung hoạt động quy định trong Luật đã khá đầy đủ, từ
nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ; các biện pháp phòng chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố
có hại; các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; nảo đảm ATVSLĐ đối
với một số nhóm lao động đặc thù; bảo đảm ATVSLĐ đối với cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp; các hoạt động quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về
ATVSLĐ giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai đồng bộ Luật ATVSLĐ. Thủ tướng Chính
phủ cũng đã có Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 lấy tháng 5 hàng năm là
“Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”, trong đó coi công tác ATVSLĐ là
công việc của mọi ngày, mọi tháng; và tháng 5 là tháng tập trung cao điểm, như
là điểm nhấn để mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người lao động nâng cao nhận
thức và hành động vì ATVSLĐ.
Thứ tư, thúc đẩy
và đề cao vai trò đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội nông
dân Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ
chức xã hội khác trong việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Luật ATVSLĐ cũng đã qui định rõ hơn và cụ thể hơn các quyền và
trách nhiệm của các tổ chức này; và để thực thi Luật hiệu quả, cần phải huy
động và tạo sự đồng thuận, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức công
đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội, quần chúng nhân dân trong công tác
ATVSLĐ. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức, hiệp hội cần
tăng cường tuyên truyền, giáo dục người lao động tuân thủ các quy định về an
toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia thực hiện quyền kiểm tra, giám sát
chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao
động, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ;
thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình được qui định trong Luật.
Cuối cùng, đó là
vấn đề nhân lực, cán bộ: Cần bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ
cán bộ, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong các cơ quan quản lý nhà nước; tăng
cường áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong giải quyết một số công việc
nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính. Hiện nay, nước ta có khoảng 60% lực lượng
lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Mở rộng phạm vi
điều chỉnh của Luật tới các đối tượng người lao động làm việc trong khu vực này
đồng nghĩa với trách nhiệm và nội dung hoạt động của các cơ quan quản lý
nhà nước, các cán bộ làm công tác ATVSLĐ sẽ lớn hơn, rộng hơn. Trong bối
cảnh biên chế, nhân lực làm công tác này hiện nay được coi là khá mỏng thì việc
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân cấp hợp lý và tăng cường trách nhiệm của từng
cấp từng ngành là quan trọng, nhất là cấp quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, cần
tăng cường và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm tranh thủ sự
giúp đỡ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và có thêm nguồn lực để triển khai các
hoạt động ATVSLĐ./.