Tham dự chương trình Đối thoại có Chủ tịch Hội nghị Các quan chức cấp cao APEC 2017 lần thứ hai (SOM2), đại diện các nền kinh tế của APEC, các cán bộ cao cấp thuộc Chính phủ, các đô thị trong APEC, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp và đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các trường Đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam...
Cơ hội và thách thức trong đô thị hóa
Phát biểu khai mạc chương trình Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt chào mừng các bạn bè quốc tế, các cán bộ cao cấp của Chính phủ, những chuyên gia, các tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp...đã tới với APEC Việt Nam 2017.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định: Các nước trong APEC chiếm 14/37 siêu đô thị khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là cơ hội tuyệt vời và cũng là thách thức trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần 4.
Trong khuôn khổ Hội nghị Các quan chức cấp cao của Diễn đàn APEC 2017, Bộ Xây dựng đã tổ chức Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững.
Ảnh: Tuấn Anh/Đình Hà
Theo Thứ trưởng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng có những thách thức, đòi hỏi các nước APEC có chiến lược đa ngành, chiến lược phát triển các thành phô thông minh, sinh thái. Vì vậy, Đối thoại APEC 2017 về Phát triển bền vững là sáng kiến rất phù hợp để bàn về những vấn đề đảm bảo phát triển đô thị bền vững và đổi mới…
Đề cập đến thành quả và những thách thức trong phát triển đô thị ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Sau 30 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016). Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.
Tuy nhiên, như nhiều quốc gia đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương; Phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Dịch cư thiếu kiểm soát; Chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị- nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên... và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao...
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: “Những vấn đề trên đang là một thách thức rất lớn cho tiến trình phát triển tiếp theo của Việt Nam nói riêng và đây cũng là những vấn đề chung đối với các nước đang phát triển trong khu vực APEC”.
Vì vậy, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2017 và với mục tiêu đề ra Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững, chương trình Đối thoại sẽ tập trung vào các nội dung chính, gồm Khuôn khổ thể chế, chính sách phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; Liên kết vùng trong phát triển đô thị hướng tới sự bền vững; Phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng kỳ vọng: Với sự tham gia của đại diện của các nền kinh tế lớn của APEC và của Thế giới, các tổ chức phi Chính phủ, các Doanh nghiệp lớn trong APEC, các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực của cộng đồng quốc tế... và Thông qua kết quả đối thoại, các khuyến nghị chính sách sẽ được xây dựng chặt chẽ. Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững sẽ góp phần tạo nên thành công Hội nghị Các quan chức cấp cao của Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam.
Giám đốc Điều phối danh mục và Hợp đồng dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Achim Fork thì kỳ vọng các kinh nghiệm tốt nhất sẽ được chia sẻ tại chương trình Đối thoại.
Ông Achim Fork cho rằng: Cải thiện môi trường đô thị đòi hỏi phải cân bằng giữa phát triển kinh tế, bền vững môi trường và hướng đến chất lượng sống của cộng đồng. Lúc này là thời điểm để các thành viên APEC suy nghĩ nghiêm tục, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị trong thập kỷ tiếp theo. Trong kế hoạch đó, phải có quy hoạch đô thị tốt, đa ngành, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bởi quy hoạch đô thị sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân như hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng không ngừng mở rộng…
Trong kế hoạch đó phải đề cập đến các giải pháp quản lý quy hoạch phù hợp và hiệu quả, có như vậy đô thị mới đạt được thành tựu phát triển bền vững.
Ông Achim Fork nhấn mạnh: Việc thúc đẩy tăng trưởng phải đồng thời với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư vào hệ thống hạ tầng xanh, bền vững. Và để phát triển bền vững thì cần phải tăng cường đối thoại mở giữa các cấp lãnh đạo, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ và người dân… Đối thoại và cùng thảo luận về sự phát triển bền vững của đô thị.
Các đại biểu về dự Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững. Ảnh: Tuấn Anh/Đình Hà
Trong khi đó, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ, mục tiêu nền tảng mà ADB hướng tới là vì một tương lai người dân không nghèo đói; Tăng trưởng có lợi cho toàn dân; Tăng trưởng có lợi cho môi trường. Do vậy, ADB luôn tài trợ cho các thành phố đáng sống, ở đó cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng kinh tế và môi trường.
Ông ông Eric Sidgwick cho biết: Năm 2017, ADB cho vay phát triển bền vững 2 tỷ USD, trong đó một phần lớn dành cho các nước thành viên APEC. Từ nay đến năm 2030, ADB tiếp tục cho vay 1.500 tỷ USD để hỗ trợ các nước đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu bền vững, an toàn, bảo đảm nước và vệ sinh môi trường cho người dân…
Theo ông ông Eric Sidgwick, Việt Nam có quá trình đô thị hóa nhanh. GDP Việt Nam một phần lớn được tạo ra từ đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam vẫn chưa đạt được như mong muốn. Hơn thế, Việt Nam còn là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam từ 600 – 800 triệu USD cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị xanh; thực nghiệm công nghệ mới, đổi mới sáng tạo cho phát triển đô thị.
ADB tin rằng nguồn vốn tài trợ của ADB là chất xúc tác để thúc đẩy thu hút hơn nữa các nguồn đầu tư khác, bao gồm của nguồn vốn tư nhân cho việc tìm kiếm các giải pháp thực thi, thực nghiệm công nghệ mới, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và các nước thành viên APEC.
ADB đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển đô thị Việt Nam hướng tới ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các đô thị xanh hơn, có tính cạnh tranh hơn về kinh tế và bền vững về môi trường…
Dự kiến, sau chương trình Đối thoại, ngày mai 15/5, các đại biểu tham đi tham quan thực tế tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) và khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Sau đó, các đại biểu tham gia Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững sẽ thống nhất và công bố Khuyến nghị Chính sách Hà Nội về các vấn đề đô thị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Trải qua gần 30 năm thành lập từ năm 1989 đến nay, tổ chức APEC gồm 21 thành viên. Hiện khu vực APEC dân số đô thị khoảng 1,8 tỷ, chiếm 42% dân số của khu vực. Việc quản lý sự chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và khó khăn đối với các quốc gia trong Vùng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và dưới tác động của Biến đổi khí hậu.
Thấy rõ được tầm quan trọng đó, trong các kỳ họp của APEC, các vấn đề phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu đã được thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng. Năm 2010, tại Nhật Bản đã thông qua “Chiến lược tăng trưởng APEC” với mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững và sáng tạo.
Năm 2013, tại Bali- Indonisia đã thông qua tuyên bố Bali công nhận đô thị hóa là một lĩnh vực phát triển của vùng Châu Á- Thái Bình Dương. Năm 2014, tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo APEC đã đưa ra sáng kiến hợp tác APEC về Đô thị hóa Châu Á- Thái Bình Dương và Các Bộ trưởng APEC nhất trí thành lập Nhóm bạn của Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp về Đô thị hóa để định hướng quá trình Đô thị hóa trong khu vực đồng thời khuyến khích tạo lập diễn đàn nhánh đưa các chủ đề về đô thị hóa vào chương trình làm việc.
Năm 2015, tại Philippin, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận về việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng mục tiêu phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững.
Năm 2016, Diễn đàn Đô thị hóa Cấp cao APEC với chủ đề “Đô thị hóa và tăng trưởng bao trùm” diễn ra tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã thông qua Sáng kiến Ninh Ba tập trung chủ yếu vào 7 khía cạnh quan trọng trong vấn đề Đô thị hóa tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Năm 2017, Chính phủ Việt Nam tổ chức “Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững” nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2016 – 2030.
|