I.
Những vi phạm tại Tổng thầu EPC
Theo công bố của
Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về sai phạm tại Công ty hữu hạn Tập
đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) - Tổng thầu thi công toàn bộ
tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có 16 sai phạm về an toàn lao động.
Người
dân Hà Nội vẫn nơm nớp lo sợ mỗi lần đi qua công trường đang thi công của
dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đôn
Cụ thể, cơ quan thanh tra phát
hiện Tổng thầu EPC chưa kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với 8 máy móc, thiết
bị (một pa lăng xích kéo tải trọng trên một tấn và 7 pa lăng xích kéo tải trọng
5 tấn) thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đơn vị này cũng
không khai báo với Sở Lao động Hà Nội khi sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động, cũng như chưa lập phương án xử lý, ứng cứu
khẩn cấp khi xảy ra sự cố với máy móc, thiết bị trong hồ sơ kỹ thuật, biện pháp
thi công như quy định.
Việc thực hiện các quy định an
toàn lao động trên công trường cũng rất lỏng lẻo. Toàn bộ công trường đang thi
công chưa có sơ đồ mạng điện, cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để cắt
điện khi có sự cố. Đơn vị này chưa nối đất đối không bảo vệ kim loại của thiết
bị điện, đóng cắt điện và thiết bị có thể có điện theo quy định.
Những sai phạm này là một trong
những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra
thời gian vừa qua, khiến người dân nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua khu vực dự án
đang thi công.
Bởi trước đó, khoảng 9 giờ 30 phút
ngày 6/11/2014, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (đoạn đối diện
Viện Y học cổ truyền Việt Nam, hướng Hà Đông - Ngã Tư Sở), 2 thanh sắt dài hơn
chục mét từ trên giàn giáo bắc qua đường Nguyễn Trãi thuộc công trình thi công
dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rơi xuống đè chết anh Nguyễn Như Ngọc
(SN 1981, chiến sĩ công an huyện Gia Lâm). Hai người bị thương được cấp cứu tại
Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam là ông Nguyễn Trọng Phong (54 tuổi) và vợ là
bà Lê Thị Hồng (49 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội).
Tiếp đó rạng sáng 28/12/2014, công
trình xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tiếp tục bị sự cố
nghiêm trọng khi giàn giáo đổ bê-tông bất ngờ đổ sập xuống đường khiến 1 taxi
chở chở 3 nữ hành khách bẹp đầu. Nơi xảy ra sự cố chỉ cách tai nạn chết người
hơn 1 tháng trước khoảng 100 m.
II.
…nhưng không phải cá biệt
Thực tế tại Hà Nội, trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh
lao động như Tổng thầu EPC lại không
hiếm. Hà Nội đang là một trong những địa phương có tỷ lệ tai nạn lao động lớn
nhất cả nước.
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn
2010-2015, giảm 5% tần suất tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt trong các
ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; giảm 10% số người lao động
mắc mới bệnh nghề nghiệp phổ biến; trên 80% người lao động được tập huấn về an
toàn vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát
mới đây của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ năm 2012-2014, việc tuân thủ pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn
nhiều tồn tại cần khắc phục, nhất là khối doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện,
giao thông, xây dựng và trong khu công nghiệp.
Tình hình tai nạn lao động bước
đầu đã được kiểm soát, song vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng,
đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao; hay việc đo, kiểm tra định kỳ
các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ
cho người lao động vẫn chưa thường xuyên. Trong khi đó, công tác tuyên truyền,
phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh
nghiệp chưa được quan tâm một cách thực chất.
Thống kê của Sở Lao động Thương
binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2014, Hà Nội cũng là một trong những địa
phương có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước (132 vụ), trong đó có 33 vụ
tai nạn nghiêm trọng nghiêm trọng làm chết 34 người, 4 người bị thương nặng,
thiệt hại về tài sản ước khoảng 200 tỷ đồng….
Toàn thành phố cũng để xảy ra 166
vụ cháy, nổ (164 vụ cháy, 2 vụ nổ), làm chết 18 người, bị thương 16 người.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2015,
toàn thành phố xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 11 người chết. Đặc biệt, tình
trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh
nghiệp ngoài nhà nước, diễn ra khá phổ biến.
III.
Cần phải làm gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động trên,
song một nguyên nhân đáng được lưu tâm
là việc khai báo, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của một số doanh
nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, nên số liệu tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp được khai báo chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trên thực tế, thậm
chí một số doanh nghiệp có hành vi che giấu, không khai báo với các cơ quan
chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra.
Cơ chế quản lý người lao động là lao động thời vụ, lao động
tự do, lao động nông nghiệp chưa rõ ràng nên việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao
động cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện.
Nhiều đơn vị vẫn xem nhẹ công tác này, coi thường tính mạng
của người lao động. Vì thế, trong thời gian tới, thành phố cần tổ chức đoàn
kiểm tra, thanh tra liên ngành về nội dung này định kỳ, đột xuất một cách khoa
học để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, đoàn phải dành thời
gian tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để lắng nghe ý kiến
của từng đối tượng nhằm kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm
quyền, góp phần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật; kịp thời xử lý đúng pháp luật
những vụ vi phạm nghiêm trọng; biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá
nhân làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.
Còn theo ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương
binh và Xã hội Hà Nội, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an
toàn vệ sinh lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các
mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn
đến việc coi thường tính mạng của người lao động.
Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa phát huy tác
dụng cao, khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc
triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận là việc xử lý, xử phạt
các trường hợp vi phạm chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để
cảnh cáo, răn đe những hành vi tương tự.
Vì thế, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các điểm còn
tồn tại trên, theo đó, nâng cao mức phạt, tăng cường tuyền truyền để nâng cao
chất lượng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn Hà Nội./.