Bế tắc tìm đường
Chị Nguyễn Thị Tân, nhà ở An Sinh (Kinh Môn), làm việc tại thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cho biết, nếu trước kia đi làm chỉ mất 20 phút thì nay mất hàng tiếng đồng hồ.
Theo chị Tân, giờ không đi được cầu nên phải đi xa thêm chục cây số để qua đò. Chỉ có 3 chiếc đò nhỏ, cũ, chở chừng 10 người và xe/chuyến nên phải xếp hàng đợi, mất 2 tiếng đồng hồ mới có thể tới chỗ làm.
Cầu An Thái bị đâm hỏng, người dân bị ách tắc ở hai bên bờ sông. Ảnh chụp lúc chiều tối ngày 7/3.
Nhà ở xã Hiệp An, cách cây cầu chừng 1km, anh Nguyễn Quốc Hùng phải đi ngược lên xã An Phụ, cách đó chừng 7km để đi đò Phủ sang sông, rồi ngược xuống chừng 7km mới tới nơi làm việc. Mặc dù đường chim bay thì khoảng cách quá gần, chỉ chừng 1km.
Anh Hùng chia sẻ: "Tôi tính gửi xe bên kia cầu, đi bộ qua cầu rồi lại lấy xe đi".
Ngược lên thấy dòng người chừng 3km đang chờ đò, anh Vũ Văn Hiệu (xã Thái Thịnh, Kinh Môn) lại phải sang xã kế bên Hiến Thành, ngược xuống Hải Phòng qua đò Lống hoặc đò Dinh rồi theo QL 5 lên Phú Thái, Kim Thành làm. Anh Hiệu cho biết, đi xa hơn chừng 20km nhưng không bị chen lấn, xô đẩy, đò ít người hơn.
Đối với hàng nghìn công nhân, chấp nhận đi xa, đi vòng, tăng chi phí đi lại là điều có thể khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất, nhất là với các công ty cần vận chuyển hàng lớn thì đây là một bài toán hết sức đau đầu.
Hàng ngàn công nhân không có lối đi
Hiện nay, hàng chục container hàng đang bị ùn lại chân cầu, gây ách tách giao thông cục bộ. Hiện, vẫn chưa có cách nào giải quyết do con đường lớn khác đi vào khu vực này phải vòng hàng trăm cây số.
Anh Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc một công ty sản xuất tôn, ống thép khu vực Kinh Môn cho biết: "Chúng tôi đang nợ hàng trăm đơn hàng, khối lượng lớn nên không thể đưa vượt qua đò nhỏ. Với một số đơn hàng gấp, chúng tôi phải lấy lại ở các cơ sở khác không thuộc địa phận Kinh Môn".
Hỗn loạn bên sông
Nếu trước đây, đò Phủ, phà Mây, bến Lống... những con đò để vào Kinh Môn rất thưa khách thì nay khác hoàn toàn. Mỗi bến đò này sáng, trưa, tối đều chạy hết công suất mới tải hết hàng ngàn công nhân, người dân lưu chuyển hai bên.
Chị Tống Thị Linh (Kinh Môn) cười trong nước mắt: “Chưa bao giờ bến đò Phủ lại đông thế này. Mọi người cứ trực lao xuống “tắm sông” chỉ vì dành nhau 1 chỗ trên đò. Có người chen lấn, đánh cãi chửi nhau. Chắc cần điều 3 tàu 3.000 tấn thay cho 3 còn đò này mới chịu được nhiệt”.
Những con đò chòng chành chở khách qua sông.
Theo quan sát của phóng viên, tại các điểm đò đón khách, trả khách, cán bộ xã đã bố trí lực lượng giữ trật tự và phân luồng, cắt lượt người xuống các đò để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nếu không có lực lượng này, ngay lập tức các lái đò tăng người, thậm chí tăng giá lên gấp đôi. Đáng nói, đò đã cũ, chật, nhưng nhiều công nhân vì sợ muộn giờ làm, sợ đợi lâu vẫn chấp nhận xuống dù biết nguy hiểm.
Bên cạnh đó, một số người dân lại chọn cách "liều mình" khi cố tình băng qua cầu hỏng tầm 3-4h sáng, lúc lực lượng tuần tra còn lỏng lẻo...
Cầu An Thái vẫn chưa được giải cứu
Được biết, cầu An Thái không chỉ là cây cầu của hàng nghìn công nhân làm việc tại khu vực Kim Thành và Kinh Môn với gần trăm nhà máy, mà còn là tuyến đường huyết mạch sang Quảng Ninh, Hải Phòng.