Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng
State authority for construction quality inspection

Hội nghị Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024

Ngày 22/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn lớn trong cả nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vừa là chủ trương quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là các địa phương, kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đến nay đã đạt được những dấu mốc quan trọng:

Về xây dựng chính sách: trong năm 2023, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Đất đai sửa đổi cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các chính sách mới này cùng với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Về thực tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô hơn 411.000 căn hộ; đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Theo Đề án, đến năm 2030 các địa phương phấn đấu hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung quyết liệt giải quyết. Cụ thể: còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đối với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương căn cứ theo các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Đề án.

Trong đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; Bộ Xây dựng thành lập Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nhà ở xã hội và có Thông báo kết luận đôn đốc triển khai Đề án tại một số địa phương trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên…

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như (tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 05 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn...). Đến nay, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra của Đề án trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về Thuế… để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội; tập trung thực hiện các nhiêm vụ được giao tại Đề án để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Các địa phương cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công; sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp, công bố công khai các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.


Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều ý kiến nhìn nhận, đánh giá toàn diện tình hình triển khai Đề án thời gian qua và đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành những giải pháp làm cơ sở để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả các nhiệm vụ của mình, kịp thời điều chỉnh chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện Đề án trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách căn cơ, bài bản, nghiêm túc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của Đề án, đồng thời cho biết, việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Đây là nhiệm vụ chính trị, huy động sự tham gia hưởng ứng của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp góp phần bảo đảm an sinh, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đối với khó khăn về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, như: chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua nhà ở xã hội, có việc làm thu nhập ổn định; đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở; Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xoá nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn. Các khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá, an toàn cháy nổ… trong 'bức tranh chung' về quy hoạch đô thị, nông thôn.


Quang cảnh hội nghị

Đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài nhà nước tham gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội.

Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, cụ thể của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đặc biệt là các mục tiêu trong năm 2024; đồng thời cho biết, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn theo đúng thẩm quyền, hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng dẫn quy trình, thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội; đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ thành lập tổ công tác gồm các đồng chí lãnh đạo Bộ đến các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ và thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội; đồng thời đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch cụ thể, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024.

Với mục tiêu và ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, quyết tâm triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo xaydung.gov.vn

1023

Ý kiến

Chưa có ý kiến

Họ tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:
Chung cư Vinh Chợ nhà đất Vinh GRUUSOFT BĐS công nghiệp Nghệ An Khu công nghiệp Nghệ An Dự án đầu tư Nghệ An Chính sách thu hút đầu tư, bảng giá đất công nghiệp tỉnh Nghệ An