Hội nghị được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng và các tổ chức: Liên đoàn Thế giới các phòng thí nghiệm và chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, hệ thống và kết cấu; Liên đoàn Thế giới và kết cấu bê tông; Viện Bê tông Mỹ; Viện Bê tông Nhật Bản; Viện Bê tông Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng bày tỏ sự vui mừng chào đón ngài Chủ tịch ACF Han Manyop cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của Liên đoàn Bê tông châu Á tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Hiện nay, bê tông là một trong những loại vật liệu xây dựng phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 35 tỷ tấn bê tông được sản xuất trên thế giới và có xu tướng tiếp tục tăng. Bê tông thường có khối lượng thành phần bao gồm: 12% xi măng, 80% cốt liệu cát, đá và 8% nước. Điều này có nghĩa là khoảng 4,2 tỷ tấn xi măng, 28 tỷ tấn cát đá và 2,8 tỷ tấn nước được sử dụng hàng năm để chế tạo bê tông. Việc tiêu thụ các nguyên vật liệu này làm ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên, môi trường và xã hội... Do đó, nhu cầu sử dụng các kết cấu bê tông bền vững cho hiện tại và tương lai là thực sự cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội toàn cầu.
Quang cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị, các diễn giả trình bày nhiều tham luận về kết quả nghiên cứu, giải pháp, thực tế và trao đổi học thuật thông qua các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, như: Công nghệ và vật liệu bê tông; phụ gia cho bê tông; kết cấu bê tông; nứt trong kết cấu bê tông; bảo dưỡng, quan trắc, sửa chữa và gia cường bê tông; tính bền vững trong bê tông…
Ông Phan Khắc Long - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Phan Vũ cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là thách thức về công nghệ và thách thức về năng suất. Bên cạnh đó, chúng ta đang phải giải bài toán kết cấu mới, công nghệ mới và phải bảo đảm có thể phát triển được ngang tầm với thế giới. Ví dụ như mác bê tông hiện nay, thế giới đang sử dụng từ 100 -123 MPa. Nhưng ở Việt Nam, để đạt 83-85MPa là đã khó. Ông Long cho biết, công ty Phan Vũ hiện đã áp dụng là 105 MPa và đang hướng đến tiêu chuẩn của Nhật là 123 MPa trong cái sản phẩm đặt nền móng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chụp ảnh cùng Chủ tịch ACF Han Manyop và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Trong khi đó, ông Lương Đức Long - Viên trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay không chỉ bê tông, mà tất cả các ngành kinh tế quốc dân muốn phát triển và phát triển bền vững được thì phải luôn luôn gắn với khoa học công nghệ. Trước đây, khoa học công nghệ chỉ nghiên cứu tạo ra sản phẩm tốt hơn, bền hơn, nhưng hiện nay ngoài nghiên cứu sao cho sản phẩm tốt hơn, bền hơn còn nghiên cứu nhằm giảm tải ảnh hưởng tác động đến môi trường. Trong thế kỷ 21, kết cấu bê tông vẫn là một trong những kết cấu chủ yếu trong xây dựng nói chung. Để đáp ứng được nhu cầu của thời đại, tức là các sản phẩm có tính năng cao, có tính bền vững và hướng tới phát triển vật liệu xanh, chúng ta cần nâng cao chất lượng, tính năng của bê tông và quan tâm sử dụng các vật liệu tái chế. Đối với bê tông tái chế cũng có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là: Bê tông cốt liệu và chất kết dính cùng các khoáng mịn sử dụng trong bê tông.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu sẽ được đi thăm quan các công trình hạ tầng và một số khu đô thị mới ở Hà Nội. Hội nghị cũng có riêng khu triển lãm gồm nhiều gian hàng của các đơn vị nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp sản xuất bê tông mới ở trong nước và quốc tế.
Hội nghị ACF 2016 là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông trong nước và quốc tế quảng bá các sản phẩm, công nghệ, giải pháp và mở rộng các mối hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.