Phát biểu Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Luật ban hành văn bản QPPL lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1996, sau đó đã rà soát, bổ sung vào năm 2002, đồng thời với đó Quốc hội cũng thông qua Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vào năm 2004. Đến 2008, Quốc hội ban hành Luật ban hành văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thay thế cho Luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2002.
Theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, việc ban hành các Luật ban hành văn QPPL đã giúp nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp của hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn thi hành, phổ biến, rà roát việc thực thi các văn bản QPPL, qua đó giúp cho Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên trong quá trình thực thi 02 bộ luật này đã xuất hiện một số vấn đề bất cập: hệ thống văn bản QPPL quá nhiều, quá cồng kềnh, do nhiều cấp ban hành, thiếu tính ổn định, chất lượng nhiều văn bản hạn chế, thiếu tính khả thi, tính hiệu lực chưa cao, các văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm được ban hành; chưa coi trọng việc điều tra, đánh giá chính sách, thiết kế chính sách, thẩm định chính sách trong quá trình xây dựng văn bản QPPL; chưa có cơ chế kiểm soát Thông tư của các Bộ, ngành; việc tồn tại 02 bộ luật ban hành QPPL cũng dẫn đến những chồng chéo, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Để khắc phục những bất cập của việc tồn tại song song 02 Luật ban hành văn bản QPPL, đồng thời nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Mục tiêu của Luật là tạo ra khuôn khổ pháp lý với nhiều nội dung đổi mới về xây dựng và thi hành pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Toàn cảnh Hội nghị.
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng được lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tính trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết tháng 6/2016, Bộ Xây dựng đã soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 155 văn bản QPPL, chưa kể đến các Quyết định của Thủ tướng, trong đó bao gồm 03 luật, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 35 Nghị định của Chính phủ và 106 Thông tư của Bộ Xây dựng. Từ đó cho thấy, khối lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là rất lớn, do đó, việc nghiên cứu, quán triệt nội dung của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 là cần thiết và cấp bách.
Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức dự Hội nghị, thông qua Hội nghị này, tập trung nghiên cứu, trao đổi với báo cáo viên, nắm vững các nội dung của Luật ban hành văn bản QPPL. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp cho Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng địa phương thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế chính sách quản lý nhà nước ngành Xây dựng, trang bị cho cán bộ, công chức viên chức làm công tác xây dựng, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản QPPL có những kiến thức và kỹ năng cơ bản và cần thiết phục vụ cho công việc.
Tại Hội nghị, các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng địa phương đã được nghe các báo cáo viên đến từ Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung chính, những điểm mới của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL; hướng dẫn kỹ năng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và Pháp điển QPPL theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL (Pháp lệnh số 03/2012/UBTVQH13).