Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng
State authority for construction quality inspection

Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới đô thị với mô hình thành phố thông minh"

Ngày 22/8/2017 tại Hà Nôi, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) đã phối hợp với Chương trình định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới đô thị với mô hình thành phố thông minh" với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Toàn cành Hội thảo

Theo thông tin từ Hội thảo, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh hiện đại. Nhiều khu đô thị mới được hình thành và phát triển, cơ sở hạ tầng được cải thiện, hệ thống dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, đến năm 2030 thế giới có khoảng 5 tỷ người sống ở đô thị, các thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, hạ tầng giao thông xuống cấp, nạn thất nghiệp… Đô thị hóa đã đặt ra vấn đề cấp thiết phải có các giải pháp thông minh hơn để kiểm soát các thách thức từ quá trình phát triển. Một số thành phố đã thành công trong việc áp dụng mô hình đô thị thông minh để giải quyết những vấn đề này. Mặc dù, khái niệm thành phố thông minh cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất, mỗi nước có cách hiểu, cách tiếp cận cũng như triển khai thực hiện rất khác nhau, nhưng những bài học thực tiễn về các mô hình thành phố thông minh, xây dựng môi trường sống tốt hơn tại một số đô thị trên thế giới sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam.

Tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự đã thảo luận về các chuyên đề: Khái niệm về thành phố thông minh; Kinh nghiệm quốc tế xây dựng thành phố thông minh; và xây dựng thành phố thông minh phù hợp điều kiện Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Quang - Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc, phát triển thành phố thông minh bền vững là một xu hướng của thế giới. Năm 2015 đã có gần 200 chính phủ cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển đô thị an toàn, bền vững, có khả năng chống chịu, giải quyết các thức thức của đô thị hóa trên quy mô toàn cầu. Đô thị hóa là quá trình tất nhiên, mang lại giá trị gia tăng trên toàn cầu, những cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề cơ sở hạ tầng, cơ cấu gia đình, nhà ổ chuột, giải quyết các khu định cư phi chính thức… và các thách thức mới liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong xã hội. Để giải quyết những thách thức đó, lời giải cho đô thị phải nằm trong đô thị. Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đem lại hiệu quả mong muốn cho phát triển đô thị, giúp cho sự kết nối hạ tầng tốt hơn, giảm thiểu phát thải CO2, kết nối con người - mang lại lợi ích cho sự phát triển của các đô thị và toàn cầu. ICT có thể tạo ra nền tảng kết nối tri thức, xây dựng chính sách, giúp người dân đưa ra các quyết định sáng suốt trong cơ chế thị trường, giúp vận hành đô thị một cách khoa học hơn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Hà Lan, Hàn Quốc đã giới thiệu các quá trình phát triển và mô hình đô thị thông minh tại quốc gia mình, và được đông đảo đại biểu tham dự quan tâm và đánh giá cao.

Theo TS. Trần Quốc Thái - Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề phát triển các đô thị thông minh, bên cạnh các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu, xây dựng các đề án xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi hiện có như hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phát triển trên diện rộng, cam kết chính trị của Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, người dân sẵn sàng và đang tiếp cận với các dịch vụ trên Internet và mạng xã hội, thì việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cũng có những thách thức lớn như: hệ thống cơ sở dữ liệu còn mỏng, phân tán, thị trường các ứng dụng đô thị thông minh chưa phổ biến, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài; trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế.

Theo TS. Trần Quốc Thái, mục tiêu phát triển đô thị của Việt Nam hướng tới các đô thị tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thông minh. Mặc dù còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đô thị thông minh, nhưng có thể khẳng định ICT có vai trò quan trọng giúp cho đô thị trở nên thông minh hơn, nhờ các yếu tố thông minh như tòa nhà thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, xã hội thông minh và nhiều vấn đề khác.

Để xây dựng đô thị thông minh phù hợp điều kiện Việt Nam, theo nghiên cứu ban đầu của Cục Phát triển đô thị, cần quan tâm đến một số yếu tố như: xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất; đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử; phát triển thị trường nội địa các ứng dụng cho đô thị thông minh (phần cứng, phần mềm); đổi mới tư duy về quản trị đô thị và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, lựa chọn xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Việt Nam.

Theo chuyên gia của Ấn Độ tham dự Hội thảo cho biết, Ấn Độ đang triển khai chương trình xây dựng 100 thành phố thông minh. Theo kinh nghiệm của Ấn Độ, việc xây dựng đô thị thông minh phải dựa vào năng lực của chính đô thị đó, chứ không phải dựa vào Chính phủ hay các yếu tố từ bên ngoài. Để làm tốt việc này, đô thị cần có định hướng chiến lược tốt, nhận thức đầy đủ từ cấp lãnh đạo đến người dân, và nguồn lực thực hiện, bao gồm cả về tài chính và nguồn nhân lực.


Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng

1570

Ý kiến

Chưa có ý kiến

Họ tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:
Chung cư Vinh Chợ nhà đất Vinh GRUUSOFT