Theo Báo cáo của Viện Khoa học công nghệ xây dựng tại Hội thảo, ngành Xây dựng hiện có khoảng 1.500 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), chia thành 11 lĩnh vực như: xây dựng dân dụng, thủy lợi, giao thông, thiết kế kiến trúc công trình ... Nội dung của các tiêu chuẩn tương đối rộng, mỗi lĩnh vực lại có mức độ sử dụng, đặc thù và phạm vi tác động xã hội khác nhau. Các lĩnh vực vừa có tính độc lập, vừa có mối liên hệ qua lại lẫn nhau. Chính vì thế, việc phân nhóm để định hướng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng là rất cần thiết.
Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu của Viện khoa học công nghệ xây dựng đã phân loại các tiêu chuẩn thành 3 nhóm: Cần định hướng, Phát triển độc lập và Đặc thù. Trong đó, các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật thuộc nhóm “Cần định hướng” có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn chịu lực của công trình xây dựng, cần được đánh giá và định hướng một cách cụ thể, chi tiết. Trong khi đó, các tiêu chuẩn của nhóm “Phát triển độc lập” bao gồm các tiêu chuẩn vật liệu, sản phẩm khác không liên quan trực tiếp đến an toàn chịu lực, tự phát triển và không phụ thuộc nhiều vào định hướng của nhóm cần định hướng. Cuối cùng, nhóm “Đặc thù” bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến các đối tượng chuyên ngành được định hướng theo yêu cầu và chức năng cụ thể như dầu khí, tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc...
Nhóm nghiên cứu đề xuất 3 phương án định hướng đổi mới đối với các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật của nhóm cần định hướng. Thứ nhất là tự phát triển, kế thừa, đổi mới, phát triển, tích hợp nội dung phù hợp của hệ thống châu Âu hoặc Mỹ. Thứ hai là đổi mới căn bản, dựa hoàn toàn vào hệ thống châu Âu và thứ ba là đổi mới căn bản, dựa hoàn toàn vào hệ thống Mỹ. Quan điểm của nhóm đề xuất nghiêng về phương án 2.
Trên cơ sở định hướng đổi mới hệ thống tiêu chuẩn xây dựng, nhóm nghiên cứu có đề xuất khoảng 104 TCVN làm tiêu chuẩn cốt lõi, bao gồm 50 tiêu chuẩn cần định hướng và 54 tiêu chuẩn độc lập. Tiêu chuẩn cốt lõi được lựa chọn theo các tiêu chí về tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng và số lượng chiếm từ 15 - 20% tổng số TCVN trong lĩnh vực xây dựng.
Lộ trình thực hiện tiêu chuẩn cốt lõi thuộc Bộ Xây dựng được chia thành hai giai đoạn 2019-2021 và 2021-2023, đảm bảo việc triển khai thành công, đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, phù hợp với trình độ, nguồn lực và tiến độ đề ra trong Đề án.
Tham dự Hội thảo, đại diện các Bộ, Ngành và các chuyên gia đến từ các Hiệp hội, các cơ sở đào tạo trong ngành Xây dựng đều nhất trí với phương án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do Ban Chỉ đạo Đề án đề xuất, hầu hết các chuyên gia đều lựa chọn đổi mới hệ thống tiêu chuẩn dựa hoàn toàn vào hệ thống tiêu chuẩn của châu Âu hoặc Mỹ.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, thực tế trong 20 năm qua, thị trường Việt Nam đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhưng chưa bao giờ có đánh giá cụ thể về việc áp dụng các tiêu chuẩn. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Quản lý hoạt động xây dựng thực hiện việc rà soát toàn bộ lĩnh vực xây dựng kết cấu, tìm hiểu việc thiết kế trong thực tiễn theo tiêu chuẩn nào thuận tiện hơn, làm tiền đề cho việc lựa chọn một hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với thị trường Việt Nam.
Về lộ trình phát triển hệ thống tiêu chuẩn mới, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Bộ Xây dựng sẽ vừa duy trì hệ thống hiện tại, vừa xây dựng hệ thống mới. Sau khi hệ thống tiêu chuẩn mới được áp dụng phổ biến, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch loại bỏ các tiêu chuẩn cũ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tìm giải pháp đặt tên của hệ thống tiêu chuẩn mới đảm bảo tính pháp lý để áp dụng vào thực tiễn.