Sau 20 năm phát
triển, ngày 01/05/2015, Hiệp hội ATVSLĐ Hoa Kỳ (OSHA) đã xuất bản Tiêu chuẩn
về Không gian hạn chế trong ngành Xây dựng, 29 CFR 1926 subpart AA,. Quy định
cuối có nội dung tương tự như Tiêu chuẩn không gian hạn chế công nghiệp,
1910.146, đồng thời có bổ sung một số điều khoản hỗ trợ giải quyết các nguy cơ
đặc thù của ngành xây dựng, những tiến bộ kỹ thuật cũng như cải thiện khả năng
tuân thủ các quy định.
Tiêu chuẩn này có
hiệu lực từ ngày 03/08/2015 và được triển khai đầy đủ từ ngày 02/10/2015. Chính
sách Thực thi Tạm thời đối với Công trình Xây dựng Nhà ở tại những Không gian hạn
chế được ban hành gần đây đã tạm hoãn việc triển khai xây dựng công trình
dân sinh cho đến ngày 08/01/2016.
I.
Không gian hạn chế là gì?
Không gian hạn chế
là một trong những môi trường lao động tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm và đe dọa đến
mạng sống nhất trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Thiết bị thông gió cấp khí
sạch là thành tố không thể thiếu của một chương trình an toàn tổng thể, cùng với
phương tiện bảo vệ cá nhân, kiểm soát khí gas và chương trình hô hấp. Việc lựa
chọn và thực hành với các thiết bị an toàn một cách phù hợp có thể giúp giảm
thiểu được các tai nạn tiềm ẩn, tổn thất về người và giảm bớt chi phí bảo hiểm.
Không gian hạn chế
bao gồm: lỗ cống thoát nước, các không gian phải bò trườn, hệ thống thoát nước,
lỗ thoát nước, bể, nồi hơi, hầm lò, hố đào, đường ống cấp nước, tủ đựng máy biến
áp, hệ thống thông gió, si-lô, tua-bin và lồng thang máy. Danh sách trên có thể
chưa đầy đủ nhưng cũng phần nào cho thấy một vài ví dụ về các hoạt động làm việc
diễn ra trên công trường xây dựng được xem như những không gian hạn chế.
Sau khi đã xác định
được một không gian hạn chế, cần tiến hành kiểm tra môi trường khí để phát hiện
các nguy cơ tiềm ẩn. Sử dụng thiết bị đo lưu lượng khí nhằm xác định mức độ khí
oxy đáp ứng yêu cầu cho phép tiến hành làm việc trong không gian hạn chế và liệu
không khí trong đó có tiềm ẩn yếu tố nguy hại hay nguy cơ về cháy nổ hay không.
Nếu môi trường được xác định là nguy hiểm, thì việc phòng nổ hoặc lắp đặt thiết
bị thông gió an toàn là việc làm cần thiết để bảo vệ người lao động.
II.
Thông gió tại vị trí nguy hiểm: phòng nổ và lắp đặt thiết bị thông gió
an toàn
Nếu xác định được
ví trí nguy hiểm hoặc tiềm ẩn một vị trí làm việc nguy hiểm, cần áp dụng mọi biện
pháp phòng ngừa nhằm tránh trường hợp phát nổ khí trong không gian hạn chế.
Mô hình “tam giác
cháy” (combustion triangle) thông thường được hình thành từ 03 thành tố: 1) khí
đốt, 2) khí oxy, 3) nguồn gây cháy. Cần xem xét cả 03 yếu tố kể trên khi tiến
hành thông gió cho môi trường nguy hiểm hoặc tiềm ẩn nguy cơ.
Cần lưu ý đến các
yếu tố sau đây khi làm việc trong môi trường nguy hiểm:
1.
Nguồn điện
Thiết bị thông
gió phòng nổ cần được chứng nhận để cung cấp thông tin về cơ quan kiểm định và
thiết bị được sử dụng ở vị nào thì phù hợp. Quạt thổi nên có vấu nối đất gắn với
nguồn nối đất giúp loại bỏ việc hình thành sự tĩnh điện. Các dạng quạt thổi được
chứng nhận này cần có lồng kim loại hoặc vỏ nhựa dẫn điện nhằm bảo đảm nguồn điện
được tiếp đất tốt. Quạt thổi được chọn cần có guồng cánh bằng nhôm không phát
ra tia lửa điện để phòng ngừa tia kim loại và bụi có thể gây kích nổ tại khu vực
nguy hiểm.
Thiết bị an toàn
cần thiết là thiết bị khí nén không có khả năng tạo ra tia lửa điện và không
yêu cầu chứng nhận an toàn điện của bên thứ ba. Cần có bộ phận tiếp đất và
không tạo ra tia lửa điện dành cho loại thiết bị này.
2.
Ống dẫn không khí
Lựa chọn ống dẫn
thông khí bằng vải làm từ vật liệu dẫn điện. Ống dẫn sẽ giảm bớt nguy cơ tiềm ẩn
việc hình thành sự tĩnh điện ở cả bề mặt bên trong và bên ngoài ống tạo ra do sự
chuyển động của các phần tử khí và bụi trong quá trình thông gió.
III.
Thông gió tại vị trí không nguy hiểm: Thiết bị tiêu chuẩn có thể được sử
dụng
Nếu không gian hạn
chế được xác định là không nguy hiểm, thì thiết bị thông gió tiêu chuẩn có thể
được sử dụng cho hoạt động thông gió. Kiểm tra thiết bị thông gió để bảo đảm
thiết bị có đầy đủ các chứng nhận cần thiết khi được sử dụng tại khu vực làm việc.
Thiết bị thông gió tại vị trí nguy hiểm có thể được sử dụng tại một vị trí
không nguy hiểm, nhưng chi phí cụ thể thì cần được tính đến bởi việc phòng nổ
và thiết bị an toàn cần thiết có giá thành đắt hơn do đặc điểm riêng biệt của từng
vị trí.
IV.
Lựa chọn biện pháp thông gió: Quạt hướng trục hay Quạt ly tâm
Tất cả các thiết
bị thông gió đều có hai đặc điểm như sau:
-
Lưu lượng dòng thể
tích không khí: được tính bằng đơn vị feet khối/phút (CFM);
-
Lực áp suất không
khí: áp suất tĩnh được tính bằng đơn vị inch của đồng hồ đo nước (WG).
1.
Quạt hướng trục (Axial fans)
Quạt hướng trục tạo
ra luồng gió lớn nhưng thiết kế lưỡi cánh của quạt lại tạo ra áp suất thấp hơn.
Khi được lắp đặt cùng ống gió, ống thông gió sẽ tạo ra lực cản và quạt hướng trục
sẽ hoạt động không hiệu quả ở các khoảng cách xa. Quạt hướng trục được thiết kế
với nhiều lưỡi cánh giúp tạo ra luồng gió có thể tích lớn (CFM). Quạt hướng trục
có trọng lượng nhẹ, giá thành thấp và sử dụng tốt nhất khi làm việc ở cự li gần
cùng với ống gió ngắn, hiệu quả nhất là với hệ thống ống gió linh hoạt có độ
dài từ 15 - 25 foot (khoảng từ 4,5 - 7,6m). Quạt hướng trục thường được
chứng nhận phòng nổ, chạy bằng dòng điện tiêu chuẩn và hoạt động ở nguồn pin
12VDC (các quạt chạy bằng dòng điện một chiều không cần phải có chứng nhận kiểm
định).
2.
Quạt hướng trục nối ống (Inline axial fans)
Quạt hướng trục nối
ống được sử dụng khi thông gió ở các khoảng cách xa; đơn giản bổ sung thêm một
quạt hút vào đường ống gió sẵn có để làm tăng và duy trì luồng gió cho những
khoảng cách làm việc ở xa. Các quạt hút có thể được nối với quạt hướng trục hoặc
quạt ly tâm để mở rộng khoảng cách thông gió xa hơn. Các quạt hút thường được
chứng nhận phòng nổ đã được kiểm định và chạy bằng các động cơ điện tiêu chuẩn.
3.
Quạt ly tâm (Centrifugal blowers)
Quạt ly tâm sử dụng
một “lồng sóc” được thiết kế với nhiều cánh cong về phía trước trên một trục
hình bánh xe. Các lưỡi cánh tạo ra thể tích đáng kể (CFM) ở các vận tốc cao hơn
và áp suất tĩnh cao hơn so với quạt hướng trục. Quạt ly tâm có trọng lượng nặng
hơn và giá thành cao hơn quạt hướng trục do động cơ to hơn. Quạt ly tâm được
dùng để đưa không khí ra một khoảng cách xa bằng cách sử dụng ống gió dài hoặc
có ống gió được chia thành nhiều đoạn khác nhau. Quạt ly tâm thường được chứng
nhận phòng nổ, hoạt động bằng năng lượng khí nén, xăng và điện.
V.
Yêu cầu cuối cùng: Chứng nhận điện áp riêng
Tại Hoa Kỳ, Hiệp
hội An toàn Vệ sinh Lao động (OSHA) yêu cầu phòng thí nghiệm kiểm định độc lập
được công nhận sẽ tiến hành kiểm tra mọi thiết bị điện xoay chiều. Mỗi loại quạt
phải đáp ứng được các mã điện (electrical code) đã được công nhận và được chế tạo
bằng các máy móc thiết bị cơ khí chính xác an toàn. Trước khi sử dụng, cần xác
định thiết bị đã được kiểm tra đánh giá, công nhận và dán nhãn bởi Phòng thí
nghiệm chứng nhận kiểm định quốc gia (NRTL) như UL, ETL hoặc CSA và đảm bảo thiết
bị được cấp chứng nhận vận hành hoạt động ở nước sở tại.
Nếu một (hoặc nhiều)
logo của các công ty thí nghiệm thuộc NRTL được in trên thiết bị, thì có nghĩa
là NRTL đã kiểm tra và chứng nhận thiết bị điện đó. Chữ “C” đặt ở phía bên trái
của logo cho thấy sản phẩm đã được kiểm tra và đáp ứng các tiêu chuẩn của
Canada. Hai chữ cái “US” đặt bên phải logo của công ty kiểm nghiệm thiết bị,
xác nhận từng bộ phận của thiết bị đã được kiểm định và chứng nhận đáp ứng các
tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Không có quy định
nào của OSHA yêu cầu người bán phải bán thiết bị đã được kiểm định; trách nhiệm
của người sử dụng là phải mua thiết bị đáp ứng được các yêu cầu của vị trí làm
việc.
Xin lưu ý, OSHA
yêu cầu người sử dụng thiết bị sử dụng đúng thiết bị được công nhận cho từng vị
trí làm việc đặc thù.