Thực trạng An toàn vệ sinh Lao
động tại khu vực làng nghề
Trong vài năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa cùng với
việc áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đã làm
cho các làng nghề thay đổi nhanh chóng. Việc phát triển các làng nghề không chỉ
đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần
vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần phân phối lại lực lượng lao động
trong xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người lao động, xoá đói
giảm nghèo. Hiện nay, với khoảng hơn 2.000 làng nghề hoạt động ở 6 lĩnh vực
chính: làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ;
làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ và thuộc da; làng nghề sản xuất vật liệu
xây dựng và khai thác đá; làng nghề tái chế phế liệu; làng nghề thủ công
mỹ nghệ; và các nhóm ngành nghề khác… đã thu hút khoảng 14 triệu lao động
tham gia, kim ngạch xuất khẩu từ làng nghề hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Sản phẩm tiểu thủ công nghiêp tại các làng nghề Việt Nam đã có mặt
tại 163 nước và vùng lãnh thổ. Mô hình chủ yếu ở các làng nghề là hộ gia đình,
công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân hoạt động với đặc điểm sản xuất chủ yếu là
sản xuất tại nhà ở hoặc xen cư, một số làng nghề đã bước đầu đi vào quy hoạch
cụm công nghiệp làng nghề với một tỷ lệ nhỏ các hộ sản xuất/doanh nghiệp tham
gia.
Bên cạnh sự phát triển đó thì đồng thời tại các làng nghề đã
phát sinh ra các yếu tố nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức
khỏe của người lao động, cộng đồng dân cư như bụi, ồn, hóa chất độc hại,… Nguyên
nhân là do hộ gia đình/ doanh nghiệp làng nghề với công nghệ lạc hậu, đơn giản,
vốn đầu tư thấp nên việc cải tiến công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật rất hạn chế. Phần lớn các hộ gia đình/ doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất
chật hẹp, nằm cận kề khu dân cư hoặc tại gia đình, xưởng tạm bợ, thiếu
ánh sáng; vật liệu sản xuất và sản phẩm làm ra bố trí, sắp xếp lộn xộn, bừa
bãi. Việc tổ chức sản xuất – tổ chức lao động không hợp lý, với lao động thủ
công chiếm tới 70 – 80 % , và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công
nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả.
Việc phát triển mang tính tự phát của các làng nghề cùng với
mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên các chủ hộ gia đình/ doanh nghiệp thường ít
chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, việc thực hiện
các trách nhiệm pháp lý về Môi trường, an toàn vệ sinh lao động hầu như không
thực hiện. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi,
xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá
chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…); Không
có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ; Không trang bị hoặc trang bị không
đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; Việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ
cho NLĐ mang tính sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn
luyện; Không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp và thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai
nạn lao động với các cơ quan chức năng; …
Công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động các cấp đối với
khu vực này gần như đang bị bỏ ngỏ: rất ít các cuộc thanh kiểm tra việc tuân
thủ luật pháp về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao đông, kiểm tra việc sử dụng các
thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp.
Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã
hội, giảm thiểu ô nhiễm Môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng
như cộng đồng dân cư đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền,
người dân trong công tác xã hội hóa an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi
trường, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần khuyến khích triển khai áp
dụng Mô hình quản lý An toàn vệ sinh lao động tại khu vực làng nghề theo phân
cấp.