Hiện nay, hệ thống các
văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác An toàn lao
động (ATLĐ) trong lĩnh vực xây dựng đã
được ban hành và dần đi vào cuộc sống như:
- Luật Xây dựng
số 50/2014/QH13, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP,
Nghị định số 59/2015/NĐ-CP... quy định các nội dung quản lý về an toàn lao
động, trách nhiệm của các chủ thể tham gia thi công xây dựng công trình.
- Nghị định số
32/2015/NĐ-CP Quy định về quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng, trong đó có
nội dung quy định chi phí an toàn lao động.
- Thông tư số
22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 là Thông tư
đầu tiên về ATLĐ của Bộ Xây dựng. Căn cứ vào các quy định tại Thông tư, Thanh
tra lao động, Thanh tra xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính về ATLĐ; Cơ quan
quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra, hướng dẫn thực
hiện công tác ATLĐ trong phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật.
- Hệ thống
quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến ATLĐ đã được ban hành, tuy
nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành đã lâu và không còn phù hợp với
quy định của pháp luật như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng
số QCVN 18:2014/BXD; TCXDVN 296:2004 - Giàn giáo các yêu cầu về an toàn... cần
được rà soát để sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, hàng năm
Bộ Xây dựng đều ban hành các Chỉ thị nhằm chấn
chỉnh và tăng
cường công tác đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng. Năm 2015 Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ
thị số 01/CT-BXD ngày 02/11/2015 về việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng.
Mặc dù công tác ATLĐ là một chính sách lớn được Đảng và Nhà nước quan
tâm, các văn bản quy phạm quy phạm
pháp luật về công tác ATLĐ đã góp phần tích cực vào việc quản lý ATLĐ, cải
thiện điều kiện làm việc của người lao động và điều chỉnh ý thức của người sử
dụng lao động, người lao động, tuy
nhiên, trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số vấn đề tôn tại như:
- Việc huấn luyện, phổ biến pháp luật về lĩnh vực ATLĐ chưa đầy đủ, hoặc
có tổ chức thì chỉ mang tính hình thức, nội dung huấn luyện còn chung chung,
chưa đi sâu vào lĩnh vực lao động đặc thù, nhất là người lao động làm công việc
có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;
- Ý thức chấp hành pháp luật về ATLĐ của người lao động còn thấp, không
tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, không sử dụng các phương tiện
bảo vệ cá nhân;
- Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATSVLĐ, như thiết bị nâng, cẩu
trục, cần cẩu tháp không được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định
định kỳ trong quá trình vận hành, khai thác. Chất lượng kiểm định của một số tổ
chức kiểm định còn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định;
- Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ cũng như chế tài xử phạt chưa đủ
mạnh để thay đổi hành vi của người lao động và người sử dụng lao động.
- Điều kiện và môi trường lao động đa dạng, phức tạp, nhiều công việc đặc
biệt khó khăn nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn lao động trong khi các nhà thầu với
kỹ thuật, công nghệ hạn chế, công tác giám sát thi công chưa được coi trọng
đúng mức là một trong số nguyên nhân dẫn đến mất ATLĐ.
1. Tình hình tai nạn
lao động (TNLĐ) trong xây dựng năm 2015
a) Số lượng TNLĐ:
Năm 2015 trên toàn quốc đã xẩy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn,
trong đó:
- Số vụ TNLĐ chết người: 629 vụ
(tăng 6,2% so với năm 2014)
- Số người chết: 666
người (tăng 5,7% so với năm 2014)
- Số người bị thương nặng: 1.704 người (tăng 10,4% so với năm 2014)
- 10 địa phương để xẩy
ra nhiều TNLĐ nhất: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, TP. Hà Nội, Đồng
Nai, Hải Dương, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
b) Nguyên nhân gây ra TNLĐ:
- Nguyên nhân chủ yếu
để xẩy ra TNLĐ chết người: Do người sử dụng lao động chiếm 52,8%, do người lao
động 18,9%, do nguyên nhân khác 28,3%.
- Do biện pháp thi công
(35%);
- Do sự cố công trình
(15%);
- Do người lao động (29%);
- Do nguyên nhân khác: (21%)
- Các yếu tố chấn thương
chủ yếu gây TNLĐ (% trên tổng số người bị TNLĐ)
+ Ngã,
rơi từ trên cao (35%) +
Do vật rơi, đổ sập (25%)
+ Điện giật (14%) + Máy, thiết bị (8%)
+ Các yếu tố khác
(18% )
2. Về tổ chức thực thi pháp luật về ATLĐ
trong xây dựng
a) Đối với công tác hướng dẫn, kiểm
tra công tác ATLĐ của Bộ Xây dựng
Trong năm 2015, Bộ giao Cục
Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Giám định phối hợp với các cơ quan có liên quan
hướng dẫn, kiểm tra ATLĐ trong thi công xây dựng tại các công trình xây dựng do
Tổng công ty Licogi và TCT Xây dựng Hà Nội thi công và các công trình trọng
điểm thuộc Danh mục do Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng
kiểm tra, nghiệm thu như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Đường sắt trên
cao Cát Linh – Hà Đông, Thủy điện Trung Sơn, Hầm Đèo Cả, Đường Cao tốc Đà Nẵng
– Quảng Ngãi, Đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 – Vĩnh
Tân 4, Cầu Cao Lãnh – Đồng Tháp.
b) Công tác quản lý ATLĐ tại các địa phương
Kết quả điều
tra của Cục Giám định năm 2015 về công tác quản lý ATLĐ trong xây
dựng theo báo cáo gửi
về của 36 địa phương như sau:
- 36 địa phương ban
hành văn bản hướng dẫn về công tác ATLĐ trong xây dựng.
- 32 Sở Xây dựng chưa có cán bộ chuyên trách về ATLĐ, số cán bộ được cập huấn về ATVSLĐ hàng năm đạt hơn 50%.
- Công
tác thanh tra, kiểm tra ATLĐ trong thi công xây dựng tại một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban ngành;
công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ còn chồng chéo; tùy từng địa phương mà giao cho Sở
Xây dựng (SXD) chủ trì hoặc phối hợp.
c) Triển khai thực hiện công tác
ATLĐ của các doanh nghiệp
Qua kiểm tra, hướng dẫn công tác ATLĐ trong xây dựng tại các Tổng công ty, công trình, dự án lớn, nhìn chung các chủ thể có liên quan ý thức
được tầm quan trọng của công tác ATLĐ, có tổ chức, thực hiện công tác ATLĐ, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động, có lập
biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thiết kế biện pháp thi công.
Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa
và nhỏ) chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định về ATLĐ; vi phạm chủ yếu là về
huấn luyện ATLĐ, lập biện pháp đảm bảo ATLĐ, kiểm tra, giám sát ATLĐ.
Theo báo cáo kết quả điều tra, khảo sát về ATLĐ trong xây dựng tại 36 địa
phương năm 2015:
- Gần 40% doanh nghiệp chưa tổ chức
huấn luyện ATLĐ theo quy định;
- Hơn 15% số
công trình đang thi công xây dựng chưa lập biện pháp đảm bảo ATLĐ.
d) Công tác quản lý máy,
thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong thi công xây
dựng
Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật An toàn, vệ sinh lao
động, Cục Giám định đã tích cực tham gia xây dựng văn bản pháp luật về ATLĐ và
đề xuất 20 danh mục các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ.
Năm
2015, trên toàn quốc có 56 đơn vị đã được Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các
máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Dự
kiến từ cuối năm 2016 các đơn vị này sẽ được xét cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện kiểm định các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của các Bộ theo phân công.
3. Một số giải pháp quản
lý nhà nước về giảm thiểu TNLĐ
a) Đối với công tác quản lý nhà nước của
Bộ Xây dựng
- Hoàn thiện các văn
bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ATLĐ như triển khai Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật An toàn, vệ sinh
lao động số 84/2015/QH13.
- Phối hợp với Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn, vệ
sinh lao động, trong đó cần nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác
quản lý nhà nước về ATLĐ.
- Soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư số
22/2010/TT-BXD quy định về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.
- Ban hành quy chuẩn
kỹ thuật quốc, gia tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm
vi quản lý của Bộ Xây dựng như: rà soát sửa đổi, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
an toàn trong xây dựng số QCVN 18:2014/BXD.
- Trình Chính phủ sửa
đổi, ban hành Nghị định về xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý đầu tư xây
dựng, trong đó có vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công
trình.
-
Thực hiện quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu
nghiêm ngặt về ATVSLĐ sử dụng trong thi công xây dựng: Xây dựng danh mục,
ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có
yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý; rà soát, công nhận tổ chức
đủ điều kiện kiểm định theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ
chức kiểm tra hoạt động kiểm định, báo cáo về việc quản lý theo quy định.
- Cục Giám định đề
xuất với Bộ Xây dựng giao chủ trì, thực hiện một số công việc sau:
+ Cục Giám định là cơ
quan chuyên môn có thẩm quyền cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề hoạt động xây
dựng hạng I đối với lĩnh vực quản lý an toàn lao động trong xây dựng;
+ Việc cấp chứng chỉ
hành nghề về an toàn lao động được hướng dẫn tại Thông tư quy định các biện
pháp đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng;
+
Cục Giám định tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý
an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng theo quy định đối với các
chủ thể tham gia xây dựng tại các công trình, dự án có quy mô lớn, các công trình, dự án đang thi công xây dựng có ảnh hưởng
đến an toàn cộng đồng, tại các địa phương
xẩy ra nhiều sự cố, tai nạn lao động.
b) Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Kịp thời ban hành
văn bản hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi pháp pháp luật về an toàn, vệ sinh lao
động trong xây dựng tại địa phương.
- Xây dựng quy chế
phối hợp (nếu chưa có) công tác kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ trong thi công
xây dựng giữa Sở Xây dựng với các cơ quan liên quan của địa phương.
- Quy định rõ chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng của
cơ quan chuyên môn về xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật và quy định tại
Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV ngày 16/11/2015 giữa Bộ Xây dựng và
Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ
quan chuyên môn thuộc UBND về xây dựng và chú ý một số nội dung như sau:
+ Giao cho Sở Xây dựng
chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công
tác an toàn lao động trong thi công xây dựng tại địa phương;
+ Bổ sung biên chế hoặc
có điều chỉnh phân công phù hợp để Sở Xây dựng có cán bộ thực hiện chức năng
quản lý công tác ATLĐ theo quy định pháp luật về xây dựng.