Cùng dự có lãnh đạo Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN); các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng và Bộ Công an.
Theo báo cáo tại cuộc họp, cả nước hiện có 340.945 cơ sở, công trình thuộc diện quản lý về PCCC, tăng gấp 4 lần so với cách đây 5 năm.
Từ năm 2019 đến tháng 3/2022, trên toàn quốc xảy ra 9.242 vụ cháy, làm chết 266 người, 425 người bị thương, thiệt hại về người và tài sản rất lớn (trong đó có 7.585 vụ cháy các công trình, chiếm 82% tổng số vụ cháy). Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung chủ yếu ở các công trình kho tầng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, nhà ở đơn lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân các vụ cháy không chỉ do chính người dân mà cả từ những bất cập trong công tác quy hoạch; thiếu thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình; do một số chủ đầu tư dự án, công trình chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Quá trình đưa công trình vào sử dụng, một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định về bảo dưỡng, vận hành, thậm chí cố tình thay đổi công năng, tính chất sử dụng của công trình, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ.
Tại cuộc họp, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã thảo luận, đánh giá tình hình hiện nay, những khó khăn, bất cập liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng; đánh giá kết quả phối hợp giữa hai Bộ trong công tác quản lý nhà nước về PCCC&CHCN đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng liên quan đến hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn, công tác PCCC trong nhà và công trình…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cùng nhất trí: việc tăng cường công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về PCCC đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác PCCC, đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp nhận diện, đánh giá cụ thể và xác định đúng thực trạng, vướng mắc từ góc độ quản lý đối với công tác PCCC; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để tổ chức thực hiện tốt công tác này. Cụ thể, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm duyệt, cấp phép; quy hoạch hạ tầng đô thị; bảo trì quản lý công trình; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp; nghiên cứu soát xét, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình; rà soát, sửa đổi một số điểm vướng mắc trong QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi để xảy ra tình trạng cháy nổ như thời gian qua.
Lãnh đạo hai Bộ nhất trí tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng thuộc hai Bộ trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về PCCC của chủ đầu tư trong khi đầu tư, xây dựng công trình cũng như trong quá trình vận hành. Ngoài ra, hiện nay Bộ Công an đang triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg, ngày 25/02/2022), trong đó có hợp phần đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện thực hành PCCC& CNCH. Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc thẩm định và sớm có văn bản góp ý thẩm định để Bộ Công an có cơ sở giải trình, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư dự án theo quy định; hướng dẫn C07 Bộ Công an thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đảm bảo phù hợp với thiết kế cơ sở và quy định của pháp luật về xây dựng.