Ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết: Sau khi Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm rà soát những công trình nhà ở chung cư, biệt thự, công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng trình đã phối hợp với các địa phương xây dựng, hướng dẫn, xác định chi phí... trong đó đã xây dựng quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng cụ thể, thống nhất để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương.
Theo đó, ông Hà Khẳng định: Đánh giá an toàn chịu lực cùng những khía cạnh khác liên quan tới tuổi thọ công trình và cách ứng xử với những công trình cũ, xuống cấp là những vấn đề kỹ thuật phức tạp mặc dù chúng ta đã có sự đầu tư, nghiên cứu, triển khai công tác rà soát, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vì thế, quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng được xây dựng từ sự góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và dựa trên các quy định của nước ngoài, được điều chỉnh để phù hợp với tình hình Việt Nam.
“Quy trình sẽ gồm 2 bước, bước 1 sẽ thực hiện trong năm 2016. Bước 2 thực hiện trong năm 2017, trong đó, dự kiến số lượng công trình của giai đoạn này sẽ nhiều, vì thế phải phân loại, tìm ra những đối cần phải ưu tiên kiểm định trước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh, cần phải điều chỉnh, vì thế đòi hỏi chúng ta vẫn phải đầu tư nghiên cứu để có một quy trình hoàn thiện mang tính bền vững”, ông Hà cho biết thêm.
GS.TS Nguyễn Bá Thông, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cũng cho biết, theo Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng gồm 2 bước:
Bước 1: Bằng phương pháp trực quan của các chuyên gia sẽ khảo sát, đánh giá sơ bộ các dấu hiệu bên ngoài các kết cấu của công trình rồi đưa ra kết luận công trình nào cần thực hiện bước 2 và đưa ra hướng giải quyết.
Bước 2: Bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng, thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình, các chuyên gia sẽ đưa ra các đánh giá chi tiết, cụ thể để có những phương án ứng xử tiếp theo, đặc biệt với các công trình được xây dựng trước năm 1994, các nhà biệt thự, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm.
Gần 200 đại biểu lắng nghe và tranh luận sôi nổi trong Hội nghị.
Được biết, Tại TP HCM có khoảng 1.000 khối chung cư cũ, hơn 2.000 biệt thự xây dựng trước năm 1975 và khoảng hơn 10.000 nhà thuộc sở hữu Nhà nước khác. Trong đó, nhiều công trình đã quá tuổi thọ cho phép, công tác duy tu bảo dưỡng không đồng bộ, vì thế có công trình bề ngoài còn khang trang nhưng bên trong đã nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình đã xuống cấp toàn bộ, gây nguy hiểm cho các cư dân sống trong đó và các công trình xung quanh.