Chỉ thị nêu rõ, hiện nay trên cả nước có gần 7.000 hồ
chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả,
góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển
nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi
vừa và nhỏ được xây dựng từ 30-40 năm trước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu,
thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn
nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước,
khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, Thủ tướng yêu cầu
các Bộ gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài
nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có hồ chứa triển khai thực hiện một số
công việc chủ yếu gồm: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến
đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập; Phân cấp quản lý với trách nhiệm cụ thể
của từng Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư, xây dựng
các công trình hồ chứa; Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy
hoạch, rà soát các dự án chưa triển khai xây dựng (kể cả các dự án đã bố trí vốn),
kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường,
xã hội, không đảm bảo bền vững; Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng
lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ đập...
Chỉ thị cũng đã nêu một số nhiệm vụ cụ thể đối với Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học
và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong việc tăng cường công tác quản
lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước./.