Ngày 20/12 tới đây, nhà máy thủy điện Lai Châu sẽ chính thức khánh thành – sớm 1 năm so với mục tiêu đề ra. Theo tính toán, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 35 nghìn tỷ đồng, công trình hoàn thành sớm 1 năm sẽ giúp cung cấp thêm khoảng 4,7 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, làm lợi cho đất nước khoảng 7.000 tỷ đồng. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty CP LILAMA 10 – đơn vị đảm nhận chế tạo và lắp đặt toàn bộ thiết bị và cơ khí thủy công của nhà máy.
Trước đó, ngày 9/11/2016, Tổ máy số 3 - tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Cùng với việc Tổ máy số 1 phát điện vào ngày 14/2/2015 và Tổ máy số 2 phát điện ngày 20/6/2016, Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã mang thêm nguồn năng lượng sạch, bổ sung kịp thời cho nhu cầu điện của đất nước.
Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, Phó Tổng Giám đốc Cty CP LILAMA 10 chỉ huy thi công các công trình thủy điện khu vực Tây bắc nhớ lại: Theo thiết kế, nhà máy thủy điện Lai Châu lắp đặt 37 nghìn tấn thiết bị, trong đó, riêng LILAMA 10 đã lắp 35 nghìn tấn. Lúc cao điểm, có khoảng 1.200 lao động, trong đó hơn 100 cán bộ, kỹ sư LILAMA 10 có mặt trên công trường. Mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình núi cao hiểm trở, có lúc thiết kế chậm, nhưng do tổ chức thi công tốt, LILAMA 10 vẫn đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.
Đạt được kết quả đó, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được LILAMA 10 triển khai như: Cải tiến phương án lắp đặt gối xoay van cung so với thủy điện Sơn La. Sáng kiến này tiết kiệm cho chủ đầu tư trên 10 tỷ đồng, rút ngắn tiến độ thi công chung tại mục đập tràn xả mặt được 3 tháng, đảm bảo tiến độ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa vào ngày 20/6/2015. Hay như sáng kiến lắp đặt gối xoay van cung xả sâu, nghiên cứu và phát hiện được sai sót về mặt thiết kế vận hành, yêu cầu thiết kế sửa đổi phương án, đáp ứng yêu cầu lắp đặt gioăng biên của van cung xả sâu kịp thời đảm bảo mục tiêu tích nước...
Đánh giá về thành công của dự án, ông Phạm Hồng Phương – Giám đốc BQL dự án thủy điện Lai Châu khẳng định: “Lực lượng lao động của LILAMA 10 thực hiện dự án rất chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao. Các mốc tiến độ chi tiết đến từng tháng, năm đều được LILAMA 10 thực hiện đạt và vượt. Điều đáng nói, những tiến độ đưa ra đều đã được phê duyệt sát với thực tế. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm, năng lực và kinh nghiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trên công trường, LILAMA 10 đã vượt tiến độ đề ra. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thành công chung của dự án. Nhờ đó, tổ máy 1 đã vượt tiến độ 3,5 tháng, tổ máy 2 vượt 10 ngày, tổ máy 3 vượt 20 ngày. Dự án về đích trước tiến độ 1 năm”.
“Có thể khẳng định, chất lượng lắp đặt, thiết bị của nhà máy do LILAMA 10 thực hiện đã đáp ứng yêu cầu và công trình vận hành an toàn. Chúng tôi cũng đã xây dựng được mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp giữa các bên”, ông Phương nhận định.
Thành công của thủy điện Lai Châu càng một lần nữa chứng minh vị trí số 1 của LILAMA 10 trong lĩnh vực thủy điện tại Việt Nam. Còn với những người thợ lắp máy LILAMA 10, đây không phải là công trình lớn đầu tiên họ đảm nhận lắp đặt. Ông Đặng Văn Long, Tổng Giám đốc Cty CP LILAMA 10 cho biết: Trước đó, việc tham gia lắp đặt thành công thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - đã tạo một nền tảng kinh nghiệm quý báu để LILAMA 10 thực hiện công trình này. Sau thủy điện Lai Châu, với kinh nghiệm sẵn có, LILAMA 10 sẽ khai phá thị trường thủy điện ở một số nước trong khu vực, đồng thời, tiếp tục phát triển một lĩnh vực khác cũng được coi là thế mạnh của Cty, đó là chế tạo và xuất khẩu cơ khí.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu được khởi công vào ngày 5/1/2011 với quy mô 3 tổ máy có tổng công suất thiết kế 1.200 MW. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh/năm. Đây cũng là 1 trong 4 dự án thủy điện trên hệ thống sông Đà và là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch trên dòng sông này.